Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles, USS Helena của hải quân Mỹ.
"Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles, USS Helena hôm 13/6 tới Vịnh Guantanamo, Cuba trong 'chuyến viếng thăm thông thường'", Bộ Tư lệnh Miền nam Mỹ (SOUTHCOM) cho biết, theo RT.
"Vị trí và hành trình của tàu đã được lên kế hoạch từ trước", SOUTHCOM nói thêm, cho biết "tàu USS Helena thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh hàng hải toàn cầu".
Theo RT, truyền thông Mỹ mô tả sự xuất hiện của tàu USS Helena là động thái "phô trương sức mạnh" nhằm đáp trả việc các tàu chiến Nga hiện diện gần vùng bờ biển Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân USS Helena dài 110 mét, có lượng giãn nước tối đa 6.200 tấn, bằng một nửa tàu ngầm hạt nhân Kazan của Nga mới cập cảng Havana.
Tàu USS Helena được trang bị 10 ống phóng tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn lên tới 3.100km hoặc tên lửa chống hạm Harpoon tầm bắn 170km. Tàu có 4 ống phóng ngư lôi để đối phó tàu ngầm đối phương và được trang bị một hệ thống rải mìn.
Tàu ngầm hạt nhân USS Helena của Mỹ và tàu ngầm hạt nhân Kazan của Nga đang hiện diện ở Cuba đều sở hữu năng lực tấn công tầm xa trên đất liền và năng lực tấn công tàu mặt nước.
Tàu Nga neo ở cảng Havana, phía tây bắc Cuba còn tàu Mỹ neo ở vịnh Guantanamo, phía đông nam Cuba.
Tàu ngầm Kazan được Nga đưa vào biên chế hoạt động năm 2021 trong khi tàu USS Helena được Mỹ đưa vào biên chế năm 1987.
Vịnh Guantanamo là nơi có cảng nước sâu rộng nhất ở phía đông nam Cuba. Cấu trúc địa hình, với những ngọn đồi dốc đứng bao quanh, đã khiến vịnh trở nên tách biệt.
Trong lịch sử, Cuba từng là thuộc địa của Tây Ban Nha cho đến khi chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha nổ ra. Kết thúc chiến tranh, Vịnh Guantanamo trở thành nơi Mỹ đặt căn cứ hải quân.
Sau khi Cuba giành độc lập, năm 1903, hai nước ký hiệp ước cho phép Washington tiếp tục sử dụng Guantanamo làm căn cứ hải quân. Thỏa thuận còn được ký lại vào năm 1934 với điều khoản Mỹ có quyền thuê Vịnh Guantanamo cho đến khi Washington chủ động từ bỏ cơ sở này.