Muốn giáo dục tốt con cái, cha mẹ phải yêu thương nhau

Sau khi sinh con, hoa hồng biến thành bông cải xanh, những lời ngọt ngào biến thành nỗi lo cơm áo tạo tiền.

Khi con cái xuất hiện, cuộc sống vợ chồng cũng dần thay đổi (Ảnh minh họa)

Hôn nhân là một bước ngoặt lớn đối với một người, nó càng trở nên quan trọng hơn khi con cái chào đời. Mọi thứ giờ đây chỉ xoay quanh con cái, cảm giác yêu đương dường như trở thành thứ gì đó xa xỉ với 2 vợ chồng.

Khi vợ hoặc chồng dành hết tâm huyết cho con cái, họ không biết rằng đối phương cảm thấy như bị “ra rìa”. Điều này ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ vợ chồng và quá trình lớn lên của con cái. Trên thực tế, cách giáo dục tốt nhất cho con cái là cha mẹ phải yêu thương nhau.

Gia đình rạn nứt, con cái tổn thương

Cha mẹ ly hôn khi cô 4 tuổi. Chứng kiến cảnh gia đình mình tan vỡ, cô rất sợ kết hôn. Cô không hiểu tại sao những người đang yêu lại muốn kết hôn. Và cô cũng không hiểu làm thế nào để duy trì mối quan hệ sau khi kết hôn.

Cô nói: “Tôi sợ rằng mình sẽ mắc phải những sai lầm giống như cha mẹ mình”.

Bây giờ, cô đang cân nhắc việc không kết hôn, thậm chí không yêu và sống độc thân cả đời.

Kết hôn hay không là quyền tự do của mỗi cá nhân. Thế nhưng, cô chọn việc sống độc thân chỉ vì sợ hôn nhân. Sự lựa chọn này ít nhiều nói lên được sự bất lực và trải nghiệm tồi tệ của cô khi chứng kiến hôn nhân của cha mẹ mình. Những vết thương lòng do cha mẹ gây ra giờ đây như một vết sẹo không thể xóa nhòa ngay cả khi cô trưởng thành.

Có những bậc cha mẹ đối xử với nhau rất tệ bạc, họ không hề hiểu về tình yêu nhưng lại mong muốn con mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Điều đó thật vô lý.

Ngay cả khi thực sự không thể tiếp tục là vợ chồng, họ cũng nên kết thúc mối quan hệ một cách nhẹ nhàng, thay vì cãi vã, trách móc đối phương khiến con cái sợ hãi, tổn thương. Hôn nhân tan vỡ không phải dấu chấm hết, nó sẽ mở đầu một cuộc sống mới cho cả 2. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối mặt với tâm thế như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn tới con cái.

Một số người nghĩ rằng, họ có thể giả vờ bình thường trước mặt con nhưng họ không ngờ con mình sớm nhận ra gia đình đang có vấn đề. Đừng để sự thờ ơ, đấu đá giữa 2 vợ chồng ảnh hưởng tới con cái. Suy cho cùng, cũng là cha mẹ lựa chọn mang con cái tới thế giới này, họ cần phải có trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình.

Vợ chồng và con cái: Mối quan hệ công bằng

Tiểu thuyết gia người Mỹ Ayelet Waldman luôn khẳng định đặt chồng lên hàng đầu, bà chia sẻ: “Hôn nhân là tiền đề để sinh con. Nếu dành hết tình cảm cho con cái mà bỏ bê hôn nhân, cuối cùng bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả. Dù không phải là một người mẹ hoàn hảo nhưng có một điều tôi rất tự hào là các con mình được sống trong môi trường có cha mẹ yêu thương nhau”.

Con cái ra đời là vì vợ chồng yêu nhau nhưng sau khi sinh con, nhiều cặp vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn vì con. Khi một đứa trẻ ra đời, ngoài niềm vui, nỗi lo lắng về cuộc sống mới còn có những mâu thuẫn do sự thay đổi vai trò gây ra.

Mai và anh yêu nhau từ lúc học đại học, sau khi ra trường thì kết hôn. Hôn nhân của họ ban đầu rất hạnh phúc, họ vừa là bạn bè vừa là bạn đời của nhau, khiến nhiều người ghen tị.

Sau khi sinh con, anh dồn toàn bộ sự chú ý vào đứa trẻ, hoàn toàn phớt lờ những thay đổi về cảm xúc sau sinh của cô.

Anh nói chuyện nhẹ nhàng với con gái nhưng lại thản nhiên phớt lờ vợ. Mai từng là người quan trọng nhất đối với anh nhưng giờ đây vị trí ấy phải nhường cho con gái.

Mai cũng yêu thương con gái nhưng không thể chấp nhận sự khác biệt quá lớn trong thái độ trước sau của chồng như vậy. Cô cảm thấy mình như một cỗ máy sinh sản. Trước khi sinh con, cô là một công chúa, sau khi sinh con, cô trở thành osin giặt giũ nấu nướng.

Cô và anh từng xảy ra tranh cãi, thậm chí có ý định ly hôn. Anh không hiểu tại sao vợ tranh giành sự ưu ái với con cái khi cô đã là mẹ.

Sau nhiều lần cãi vã, anh nhận ra rằng, con cái rất quan trọng nhưng vợ anh còn quan trọng hơn, nếu không có vợ thì gia đình sẽ không còn là một gia đình.

Sau đó, anh bắt đầu quan tâm đến tình cảm của vợ nhiều hơn và hai người dần làm hòa.

Các nhà xã hội học đã nghiên cứu mối quan hệ giữa vợ và chồng và nhận thấy rằng, kể từ khi mới kết hôn, sự hài lòng trong hôn nhân có biểu đồ hình chữ U theo thời gian và sẽ giảm xuống đáy sau khi có con cái.

Nếu một cặp vợ chồng không lựa chọn ly hôn khi họ đang ở điểm thấp nhất, đường cong sự hài lòng trong hôn nhân sẽ bắt đầu tăng trở lại sau khi con cái rời khỏi nhà.

Không phải cặp đôi nào cũng có thể cùng nhau đi qua đáy hình chữ U, phải mất rất nhiều năm mối quan hệ mới hâm nóng lại sau khi con cái trưởng thành. Nhưng chúng ta có thể tránh chạm đáy bằng cách đặt việc quản lý mối quan hệ lên ưu tiên hàng đầu trong gia đình.

Cha mẹ thường có tình cảm tự nhiên với con cái, rất khó buông bỏ nhưng tình cảm vợ chồng lại dễ đổi thay. Đối với những cặp đôi thân thiết với nhau, nếu phớt lờ đối phương, mối quan hệ chắc chắn sẽ nguội lạnh.

Một mối quan hệ vợ chồng đầy bất mãn, oán giận sẽ chỉ khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng. Dù cha mẹ có hết lòng yêu thương con cái, con cái cũng sẽ sống trong đau khổ.

Phan Hằng - Sohu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN