Mắc kẹt vì mua nhà đất 2,5 tỷ đồng rồi cho thuê chỉ 2,5 triệu đồng mỗi tháng

Không chịu áp lực lãi vay ngân hàng nhưng với mức giá cho thuê hiện nay, người chủ nhà này thừa nhận mức sinh lời căn nhà tiền tỷ của mình kém xa gửi tiết kiệm, do đó đang phân vân trước việc giữ lại tài sản hay bán đi lấy tiền gửi ngân hàng.

Thời gian gần đây lãi tiết kiệm đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh. Theo khảo sát số ngân hàng có lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 7%/năm giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, hiện chỉ còn 3/34 ngân hàng trong nước được khảo sát còn niêm yết lãi suất huy động ở mức trên 7%/năm. Đồng thời chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng không còn quá rộng.

Ở các ngân hàng tư nhân nhỏ, mức lãi suất huy động cao nhất chủ yếu nằm 6,5 – 7%. Trong khi nhóm ngân hàng tư nhân lớn có mức lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 5,8 – 6,8%/năm như: SHB (6,8%), Sacombank (6,5%), MB (6,6%), Techombank (6,3%), ACB (5,8%). Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,8%/năm.

Dù lãi tiết kiệm đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng giảm mạnh thời gian gần đây, tuy nhiên, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được xem là kênh đầu tư sinh lời đáng kể so với nhiều người người xuống tiền đầu tư vào BĐS, đặc biệt là phân khúc đất nền thời gian qua.

Theo đó, kể từ khi thị trường rơi vào trầm lắng từ nửa cuối năm 2022 đến nay, nhiều nhà đầu tư dù sở hữu khối tài sản tiền tỷ nhưng cũng đang mắc kẹt với khoản đầu tư của mình. Thậm chí với những người sử dụng đòn bẩy tài chính cao còn đối mặt nguy cơ phải bán tài sản của mình với giá rẻ để tất toán khoản vay.

Trong giai đoạn khó khăn, một số người đã chuyển hướng sửa chữa, cải tạo tài sản của mình để cho thuê, tuy nhiên số tiền thu được từ hình thức này thực tế cũng đang kém xa so với gửi tiết kiệm ngân hàng.

Nhiều liền kề tiền tỷ ở các khu đô thị cũng đang vắng bóng khách thuê

Chị Lan (Hà Đông – Hà Nội) cho biết sau một thời gian dài để trống lô đất nền của mình tại một khu đất dịch vụ thương mại, cuối năm 2022 đã quyết định đầu tư thêm gần 200 triệu đồng dựng nhà cấp 4 để cho thuê. Nữ nhân viên văn phòng này kỳ vọng sẽ có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ ngôi nhà cho thuê của mình.

Tuy nhiên, hiện nay chị đang băn khoăn với việc nên bán ngôi nhà của mình để lấy tiền gửi lãi tiết kiệm gân hàng hay tiếp tục giữ nhà đất để cho thuê như hiện tại. Chị Lan cho biết hiện căn nhà của mình đang được môi giới chào mua với mức giá 2,5 đồng, nếu đem số tiền này gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 12 tháng, mỗi tháng chị có thể thu được khoản lãi từ 13,5 triệu đồng đến 14,5 triệu đồng/tháng (lãi suất tiết kiệm dao động từ 6,5%/năm – 7%/năm).

Trong khi đó, cũng chính ngôi nhà này hiện chị đang cho thuê được với giá chỉ 2,5 triệu đồng/tháng, chưa bằng 20% so với mức sinh lời từ kênh gửi tiết kiệm. Chị tính toán với giá thuê hiện tại cũng cần tới gần 7 năm để hoàn vốn tiền dựng nhà mà chưa tính tiền mua đất trước đó. Cùng với mức sinh lời kém xa gửi tiết kiệm, để cho thuê được với giá này chị cũng đã có quãng thời gian gần 2 tháng để nhà trống do nhu cầu thuê nhà của người dân trong khu vực ngày càng ít do vị trí nhà đất nằm cách khá xa khu trung tâm và các dịch vụ trong khu vực chưa thực sự phát triển như những khu đô thị khác.

“Nhiều lúc nghĩ đến chênh lệch giữa việc mang tiền gửi tiết kiệm và tiền cho thuê nhà cũng cảm thấy tiếc nuối. Gia đình cũng phân vân trong việc lựa chọn bán nhà đất để lấy tiền mặt gửi tiết kiệm trong giai đoạn thị trường BĐS trầm lắng như này hay tiếp tục giữ lại coi như là tài sản tích lũy của gia đình trong lâu dài”, chị Lan chia sẻ.

Theo khảo sát, trong bối cảnh giao dịch BĐS đặc biệt là đất nền trầm lắng, nhiều nhà đầu tư vào phân khúc đất nền rồi chuyển sang xây nhà tạm cho thuê cũng không mấy dễ thở bởi số tiền cho thuê nhà thu được quá thấp so với chi phí vốn bỏ ra.

Anh Chính, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Đông cũng đang có căn nhà cấp 4 trên lô đất có giá thị trường hơn 3 tỷ đồng nhưng hiện cho thuê với giá 3 triệu đồng/tháng.

Anh Chính cho biết dù không chịu áp lực lãi vay bởi tiền mua đất, làm nhà là số tiền nhàn rỗi của gia đình, tuy nhiên, nếu so với lãi suất tiết kiệm hiện nay thì số tiền cho thuê nhà thua xa so với việc mang tiền nhàn rỗi đi gửi ngân hàng.

Trước những vấn đề chị Lan và anh Chính đang phải đối mặt, anh Nguyễn Văn Sĩ, chủ một văn phòng BĐS tại Hà Đông, Hà Nội, cho hay thời gian gần đây phân khúc đất nền đang nhận được sự quan tâm trở lại. Tuy nhiên, chưa biết đến khi nào phân khúc này có thể sôi động như giai đoạn năm 2021-đầu năm 2022. Trong khi đó, việc đầu tư nhà đất rồi cho thuê là bài toán không hề dễ dàng, đặc biệt là những khu vực hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển, dân cư chưa đông. “Xác định đầu tư vào đất nền ở những khu vực hạ tầng chưa phát triển, dân cư chưa đồng thì phải chấp nhận thôi bởi nếu biết trước sẽ không có người thất bại”, anh Sĩ chia sẻ.

Hoàng Nam

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN