Loạt nước đồng minh phản ứng gắt đề xuất của ông Trump về "tiếp quản" Dải Gaza

Lãnh đạo nhiều nước phương Tây phản đối trong khi Hamas cảnh báo kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump “châm ngòi cho xung đột” ở Trung Đông.

Dải Gaza trở thành đống đổ nát sau xung đột (ảnh: Reuters)

Hôm 4/2, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Trump cho biết Mỹ sẽ “tiếp quản” Dải Gaza để tái thiết khu vực này.

“Người Palestine rất muốn rời khỏi Dải Gaza”, ông Trump nói.

“Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza. Chúng tôi sẽ sở hữu vùng đất này và chịu trách nhiệm tháo dỡ tất cả những quả bom nguy hiểm chưa phát nổ”, Tổng thống Mỹ nói thêm và cho biết, ông không loại trừ khả năng gửi quân đội Mỹ đến “tiếp quản” Dải Gaza.

Hôm 5/2, Sami Abu Zuhri – quan chức cấp cao của lực lượng Hamas – cho rằng, kế hoạch của ông Trump chẳng khác nào “một cuộc trục xuất” người Palestine khỏi quê hương.

“Những phát biểu của ông Trump về ý định tiếp quản Dải Gaza là cực kỳ vô lý. Bất kỳ ý tưởng nào như vậy đều có khả năng châm ngòi cho xung đột ở Trung Đông”, ông Zuhri nói.

“Chúng tôi coi đó là công thức tạo ra sự hỗn loạn và căng thẳng trong trong khu vực. Người dân ở Gaza sẽ không cho phép điều đó xảy ra”, ông Zuhri nói thêm.

Izzat el-Reshiq, một quan chức cấp cao khác của Hamas, cho rằng, kế hoạch của ông Trump “chỉ đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng ở Trung Đông.

Ông Trump muốn Mỹ “tiếp quản” Dải Gaza và di dời người Palestine (ảnh: AFP)

Đồng minh phản đối

Hôm 5/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết, kế hoạch “tiếp quản” Dải Gaza của ông Trump là “không thể chấp nhận được”, và việc buộc người Palestine rời khỏi Dải Gaza chỉ dẫn đến nhiều cuộc xung đột hơn.

“Ngay cả việc đưa vấn đề này ra thảo luận đã là sai lầm”, ông Fidan nói.

Đồng quan điểm trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp – ông Christophe Lemoine – cho biết, Pháp phản đối bất kỳ hành động nào nhằm “cưỡng bức di dời” người Palestine khỏi Dải Gaza.

“Đó là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm quyền lợi chính đáng của người dân Palestine”, ông Lemoine nói.

Theo ông Lemoine, tương lai của Dải Gaza là một nhà nước của người Palestine và không nên bị bên thứ 3 kiểm soát.

Ngoại trưởng Anh David Lammy hôm 5/2 cho rằng, người Palestine có tương lai ở chính quê hương họ.

“Chúng tôi bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng cần ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Chúng tôi mong muốn người Palestine sinh sống và thịnh vượng trên quê hương của họ ở Dải Gaza và Bờ Tây”, ông Lammy nói.

Theo Reuters, giải pháp hai nhà nước đề cập đến việc thành lập một nhà nước của người Palestine ở Dải Gaza và tách biệt hoàn toàn về lãnh thổ với Israel.

“Dải Gaza thuộc về người Palestine”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói hôm 5/2. 

Theo bà Baerbock, bất cứ kế hoạch nào nhằm trục xuất người Palestine khỏi Dải Gaza đều không thể chấp nhận được và trái với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc và Nga (2 nước ủy viên thường trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) hôm 5/2 cũng tuyên bố phản đối việc “cưỡng bức di dời” người Palestine khỏi Dải Gaza.

Nhiều người Palestine ở Dải Gaza không còn chỗ ở (ảnh: Xinhua)

Cần bao nhiêu tiền để tái thiết Dải Gaza?

Theo ước tính của Liên hợp quốc, chỉ riêng việc dọn dẹp khoảng 50 triệu tấn đổ nát ở Dải Gaza, sau cuộc xung đột kéo dài 2 năm giữa Israel với Hamas, đã có thể mất tới 21 năm và tiêu tốn hơn 1,2 tỷ USD.

Bom và mìn chưa phát nổ khiến nỗ lực “dọn dẹp” Dải Gaza trở nên đặc biệt nguy hiểm.

Chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Dải Gaza tốn khoảng 50 – 80 tỷ USD.

Vương Quốc – Reuters, Al Jazeera

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN