Lo ngại bong bóng nợ lớn chưa từng có trong lịch sử của Mỹ sắp nổ tung

“Mọi anh hùng đều có điểm yếu chí mạng. Điểm yếu của Mỹ chính là sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nợ chính phủ”.

Ruchir Sharma, Chủ tịch Rockefeller International - công ty quản lý tài sản và đầu tư có trụ sở tại New York, Mỹ, cảnh báo rằng "bong bóng lớn chưa từng có trong lịch sử" sắp nổ tung, khi đà tăng trưởng vượt trội của Mỹ đang bị thổi phồng bởi khối nợ khổng lồ.

Theo ông Sharma, Mỹ hiện phụ thuộc quá mức vào nợ, và những nỗ lực kiểm soát nợ trong tương lai sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế cùng lợi nhuận doanh nghiệp. Trong bài viết mới trên Financial Times, ông tiếp tục cảnh báo về “bong bóng lớn nhất trong các bong bóng”, nhấn mạnh rằng đà tăng trưởng vượt trội của Hoa Kỳ so với phần còn lại của thế giới sớm muộn cũng sẽ sụp đổ.

Dù Phố Wall nhấn mạnh mức lợi nhuận cao, Sharma vẫn chỉ ra rằng sau khi điều chỉnh theo chi tiêu chính phủ và ảnh hưởng từ một số ít công ty công nghệ lớn, các con số này trở nên kém ấn tượng. Sharma nhấn mạnh rằng "lợi nhuận siêu khủng" thường sẽ trở lại mức bình thường trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng.

Chuyên gia này giải thích: “Tăng trưởng và lợi nhuận hiện đang được thúc đẩy nhân tạo nhờ mức chi tiêu thâm hụt lớn nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn này của chu kỳ kinh tế.”

Hiện tại, nợ công của Mỹ đã đạt gần 100% GDP và có thể vượt kỷ lục từng được thiết lập sau Thế chiến II. Tuy nhiên, khác với thời kỳ chiến tranh, lần này mức nợ gia tăng trong bối cảnh không có thảm họa toàn cầu và nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng.

Chi phí trả lãi nợ cũng tăng mạnh, lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm, lớn hơn cả mức chi tiêu quốc phòng, góp phần gây thêm thâm hụt ngân sách.

Dù chính phủ liên bang đang ngập trong nợ, các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ vẫn duy trì bảng cân đối tài chính mạnh mẽ, tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. GDP quý III vừa qua đã được điều chỉnh tăng lên 3,1%, so với mức 2,8% trước đó, chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng cao.

"Điểm yếu của Mỹ chính là sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nợ chính phủ”

Tuy nhiên, Sharma cảnh báo: “Mọi anh hùng đều có điểm yếu chí mạng. Điểm yếu của Mỹ chính là sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nợ chính phủ”. Theo tính toán của ông, cần tới 2 USD nợ công mới tạo ra 1 USD tăng trưởng GDP, tăng 50% so với 5 năm trước. Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ quốc gia nào khác trong tình trạng tương tự sẽ sớm chứng kiến làn sóng tháo chạy vốn, nhưng Hoa Kỳ vẫn giữ được vị thế nhờ nền kinh tế hàng đầu và đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Một yếu tố có thể khiến mọi thứ đảo lộn là thị trường dần mất kiên nhẫn. Sharma dự đoán rằng nếu các nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn hoặc yêu cầu các dấu hiệu kỷ luật tài chính vào năm tới, chính phủ Mỹ có thể buộc phải cắt giảm chi tiêu, làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.

Các dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện khi Pimco, gã khổng lồ trong lĩnh vực trái phiếu, tuyên bố giảm nắm giữ trái phiếu dài hạn của Hoa Kỳ do lo ngại về nợ công gia tăng. Thêm vào đó, các nền kinh tế lớn khác như châu Âu hay Trung Quốc có thể phục hồi, làm suy yếu vị thế vượt trội của Mỹ. Cũng không loại trừ khả năng xảy ra những sự kiện bất ngờ hoàn toàn ngoài dự đoán.

"Trong giai đoạn cuối của một bong bóng, giá thường tăng mạnh theo đường parabol," Sharma cảnh báo. "Cổ phiếu Mỹ đã vượt trội so với các thị trường khác trong sáu tháng qua với mức chênh lệch lớn nhất trong vòng 25 năm qua. Khi đang bay cao như vậy, chỉ cần một yếu tố nhỏ cũng có thể làm động cơ ngừng hoạt động. Các dấu hiệu về giá, định giá và tâm lý đều cho thấy sự kết thúc đã gần kề. Đã đến lúc đặt cược chống lại 'chủ nghĩa ngoại lệ của người Mỹ'".

Hà My (Theo Fortune)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN