Lão nông bỏ tiền túi ra xây, sửa 8 cây cầu: “Nhiều người nghĩ tôi thừa tiền”

Từ năm 2015, đến nay ông Sản đã bỏ tiền túi hơn 300 triệu đồng để xây mới, sửa lại 8 cây cầu trên địa bàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán của người dân.

Cây cầu đầu tiên ông Sản bỏ tiền túi ra làm.

Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân quê hương khi phải đi qua nhưng cây cầu tạm, ông Đỗ Quang Sản (hơn 70 tuổi, ở xã Khánh Trung, Yên Khánh, Ninh Bình) đã tự nguyện bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng, tu bổ, nâng cấp nhiều cây cầu tại địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sản nói, xã có nhiều con sông chảy qua nên trên địa bàn có tới chục cây cầu, những cầu này được làm tạm bợ bằng 2 cây cột điện bắc qua sông rất nguy hiểm. Ông đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn, thậm chí có người tử vong khi đi qua cầu Chợ Cát nên đã nung nấu ý định xây cầu miễn phí.

Nghĩ là làm, năm 2015, trước khi đề xuất với chính quyền, ông Sản hỏi ý kiến vợ con cho ông sử dụng số tiền tiết kiệm suốt nhiều năm làm ăn để xây cầu. Hiểu được nỗi lòng, vợ và các con ông đồng ý.

Từ năm 2015 đến nay ông Sản xây, sửa chữa được 8 cây cầu cho quê hương.

“Số tiền không nhỏ, đó là mồ hôi nước mắt của cả gia đình nên tôi phải hỏi ý kiến. Nếu vợ con tôi không đồng ý thì tôi có muốn cũng chẳng thể nào làm được”, ông Sản nói.

Khi được gia đình, chính quyền ủng hộ, ông Sản thuê người thiết kế, thi công. Trong vòng 1 tháng, cây cầu Chợ Cát rộng 3,5m được dựng lên chắc chắn, kiên cố cho đến bây giờ.

Tổng chi phí cho toàn bộ công trình là 147 triệu đồng được ông bỏ tiền túi ra làm. Ở cây cầu đầu tiên, chi phí không phải là vấn đề lớn nhất ông Sản cần giải quyết, mà là ở cách thức thi công. Do lần đầu tiên xây cầu, ông còn nhiều bỡ ngỡ, vừa làm vừa xử lý các vấn đề phát sinh.

Ông Sản cho biết ông chỉ muốn đóng góp những công trình mang lợi ích cho cả cộng đồng.

Sau cây cầu chợ Cát, những năm sau đó, năm nào ông Sản cũng xây lại, làm mới 1 đến 2 cây cầu. Đến nay, với việc xây dựng, sửa sang lại 8 cây cầu, ông Sản đã chi ra hơn 300 triệu đồng. Cầu nào sửa chữa thì chi phí mất khoảng 50 đến 100 triệu đồng, còn xây mới thì từ 100 đến hơn 200 triệu đồng.

“Việc tôi làm có người khen, người chê, nhiều người nghĩ tôi thừa tiền mới làm vậy nhưng tôi không bận tâm. Tôi chỉ mong góp công sức nhỏ bé của mình để người dân đi lại thuận tiện hơn”, ông Sản chia sẻ.

Những cây cầu ông Sản xây dựng.

Chi phí xây, sửa những cây cầu ông Sản đều bỏ tiền túi ra làm.

Nói xong ông Sản tâm sự, năm 22 tuổi, ông đi nhập ngũ. Sau 8 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1984, ông xuất ngũ về quê mang theo mình những mảnh đạn còn găm trong người.

31 tuổi, ông Sản lấy vợ và sinh được 3 người con trai. Lúc đó, cũng như bao gia đình khác, ông Sản tất bật với cuộc sống mưu sinh, nghĩ cách làm giàu. Sau đó, ông Sản mạnh dạn mở một cửa hàng cho thuê cốp pha. Làm ăn thuận lợi, kinh tế gia đình khấm khá, ông bắt đầu nghĩ tới việc đóng góp cho cộng đồng.

Vợ làm ruộng, ông Sản quản lý cửa hàng cốp pha mỗi tháng mang về thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Chính nhờ nguồn thu đó, ông Sản đã tích góp và quyết tâm xây dựng các cây cầu ở địa phương lâu nay đã xuống cấp.

“Làm kinh doanh cứ dư ra đồng nào tôi lại gom góp vào để sửa mới hoặc xây lại cây cầu khác cho bà con đi lại cho đảm bảo an toàn”, ông Sản kể.

Các con ông Sản cũng đã trưởng thành và ra ở riêng hết. Ước mơ của ông bây giờ là mở rộng cây cầu chợ Cát thêm một làn 3,5m nữa để việc đi lại của bà con 2 xã thuận tiện hơn. Hiện tại với chiều rộng 3,5m, chỉ một xe ô tô đi lại được trên cầu. Chi phí dự tính mở thêm làn đường nữa lên đến khoảng 300 triệu đồng.

Ông Sản bảo, làm từ thiện thì có rất nhiều hình thức, nhưng riêng ông muốn đóng góp những công trình mang lại lợi ích cho cả cộng đồng, thay vì chỉ cho từng cá nhân riêng lẻ.

Ông Sản xây mới 4 cây cầu và sửa chữa 4 cây cầu.

Chi phí làm mới và sửa chữa 8 cây cầu mất khoảng hơn 300 triệu đồng.

Với những đóng góp thiết thực của mình, năm 2018, ông Sản được nhận bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình vì có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bà Đinh Thị Loan (vợ ông Sản) cho biết, khi nghe chồng nói ý nguyện xây cầu miễn phí cho quê hương bà hoàn toàn ủng hộ.

Theo bà Loan, các con bà đã trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống riêng nên ông bà không phải lo lắng. Tiền làm ra, chết ông bà cũng không mang theo được nhưng xây cầu cho quê hương thì tiếng thơm lưu giữ muôn đời.

Ông Phạm Đức Hữu – Chủ tịch UBND xã Khánh Trung (Yên Khánh, Ninh Bình) cho biết, ông Sản là người địa phương, làm nông dân thuần tuý và có cửa hàng cho thuê cốp pha. Việc làm của ông Sản rất tốt, đã được nêu gương người tốt việc tốt.

Theo ông Hữu, ông Sản đã xây mới được 4 cây cầu và sửa chữa 4 cây cầu cho địa phương. Những cây cầu này toàn bộ là tiền túi ông Sản bỏ ra.

An Na

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN