Kịp thời “quay xe” sau bão Covid-19, tiệm cơm văn phòng bán cả trăm suất mỗi ngày

Nhờ thay đổi tư duy trong kinh doanh, các cửa hàng, chuỗi kinh doanh F&B có doanh thu tăng đột biến, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.

Chị Phạm Thu Hiền (35 tuổi) – chủ quán cơm văn phòng trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ: “Khi mới kinh doanh, mình mở quán bán cơm trưa văn phòng nên mình đã tìm mặt bằng đẹp tại khu vực có các tòa cao ốc, nơi tập trung nhiều nhân viên văn phòng.

Nhờ bán hàng qua app online, cửa hàng cơm của chị Hiền bán hàng trăm suất ăn mỗi ngày

Tuy nhiên, sau thời gian dịch kéo dài, nhận thấy nhu cầu đặt món online ngày càng gia tăng nên mình đã quyết định sử dụng các app bán hàng để kết nối khách hàng. Mình cũng trả mặt bằng trên và tìm thuê một nhà riêng trong ngõ gần đó, giá vừa rẻ hơn lại có diện tích rộng hơn mà doanh thu bán hàng vẫn khá tốt”.

Theo lời chị Hiền, tính đến nay đã hơn một năm bán hàng qua các ứng dụng online, tình hình kinh doanh quán cơm nhà chị ngày càng khởi sắc với hàng trăm khách online trung thành. Đặc biệt, có nhiều khách hàng ở cách xa quán cơm 2-3km vẫn trở thành khách hàng thân thiết, điều mà trước đây việc kinh doanh tại chỗ chị không thể thực hiện được.

Tương tự, dưới góc độ của một start-up thành công "vượt qua cơn bão Covid-19", anh Đoàn Văn Minh – chủ tiệm bánh mỳ có tiếng với chuỗi 12 cửa hàng tại TP HCM, cho hay: "Hai năm vừa qua được xem như một cơ hội để mình tinh gọn lại mọi thứ. Đại dịch đi qua giúp mình linh động hơn, tạo nền tảng chắc chắn hơn để quay trở về “cuộc sống bình thường mới” một cách mạnh mẽ nhất. Hai năm vừa qua cũng là thời kỳ để Bánh mì H. hoàn thiện quy trình sản xuất, mang lại sự đặc trưng riêng cho sản phẩm chả cá của Bánh mì H.".

Chủ tiệm bánh mỳ H. cũng thừa nhận bán hàng online thực sự đã cứu vãn doanh số của H. trong chuỗi ngày dịch bệnh

Thông thường, chuyển đổi số khi chưa tìm hiểu có vẻ rất khó để hợp với các tiệm bán bánh mì nhưng khi đại dịch ập tới, thì điều không tưởng đó được ứng dụng hiệu quả và thành công.

Lúc thành phố ra Chỉ thị 16, hầu như tất cả điểm bán của H. đều phải đóng cửa. Lúc đó, nếu như không bán hàng online thì 100% doanh thu các tháng đó của Bánh mì H. bằng 0.

“Bán hàng online thực sự đã cứu vãn doanh số của H. khi đó. Đội ngũ nhân viên bán hàng của tôi ngay lập tức cũng đã phải thay đổi để phù hợp hơn. Tính đến nay, họ đều đã thích nghi tốt, doanh số bán hàng cũng tăng trưởng mạnh so với trước dịch" – anh Minh chia sẻ.

Chia sẻ thêm về câu chuyện kinh doanh online thành công, anh Hoàng Tùng – Chủ chuỗi thương hiệu pizza có tiếng tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi tin chắc chắn là chẳng ai mong muốn trải qua khoảng thời gian khó khăn mà bất lực, vô định như thời điểm COVID vừa rồi. Thế nhưng, sau khi mọi thứ qua đi, tôi nhận ra được đúng là phải trải qua khó khăn cỡ như vậy mới có thể khiến tôi thay đổi mạnh mẽ, và buộc tôi phải phát triển, phải khai thác hết năng lực của tôi để xoay chuyển. Tôi thấy bản thân tôi bản lĩnh hơn”.

Thay đổi tư duy chính là cách để anh Tùng và các cửa hàng thành công vượt qua đại dịch

Trước thời điểm dịch, anh Tùng chú trọng tập trung vào việc mở rộng mô hình nhanh nhất. “Lúc đó tôi nuôi rất nhiều mặt bằng đẹp, dù một số điểm bán của tôi không có doanh thu tốt”.

Rồi khi dịch bệnh xảy ra, cũng giống như nhiều ông chủ khác, anh Tùng phải đối mặt với gánh nặng chi phí mặt bằng rất lớn, tiền vận hành rồi nhân sự...

Sau một thời gian đắn đo, anh đã nhanh chóng cắt giảm mặt bằng và tiến hành tái cấu trúc điểm bán. Ngoài ra, ông chủ thương hiệu pizza đồng thời kết hợp rất nhiều ý tưởng mới lạ, như giải cứu nông sản, hoặc là bánh burger Corona từng thu hút giới truyền thông trong nước và quốc tế; phát triển menu nhiều món để dễ dàng sale, menu tối ưu, nhanh gọn và hiệu quả, đặc biệt là phát triển mô hình bếp tập trung.

“Nếu hỏi tôi thay đổi gì lớn nhất thì đó chính là tư duy. Nếu lúc trước tôi chỉ quan tâm lãi trên toàn chuỗi, thì bây giờ tôi xem trọng lãi trên từng điểm bán hơn. Tôi chuyển trọng tâm từ quy mô sang chất lượng. Đó có lẽ là thay đổi lớn nhất của tôi, và cũng may là linh động kịp thời.

Trước đây, ai ai cũng nói miệng đẩy mạnh dịch chuyển từ offline sang online, nhưng mà chắc chắn là ai cũng làm qua loa thôi. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Trước đây tôi làm mảng online rất hời hợt, theo kiểu làm cho có.

Cho đến khi dịch đến thì bên tôi bắt buộc phải dịch chuyển sang online và phải làm rất mạnh. Đó cũng là lúc tôi nhận ra bình thường mới đi kèm với tiêu dùng mới, nhu cầu mới, và cơ hội kinh doanh mới. Đơn cử như trước đây chuyện gọi đồ ăn buổi trưa văn phòng vẫn còn ít lắm nhưng bây giờ nó gần như là chuyện bình thường luôn” – anh Hoàng Tùng chia sẻ.

Quỳnh Chi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN