Không còn tàu hàng nào từ Trung Quốc cập cảng California: Báo động đỏ cho thương mại Mỹ

Lần đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19, không có một con tàu chở hàng nào rời Trung Quốc đến các cảng lớn nhất bờ Tây nước Mỹ trong vòng 12 tiếng. Sự gián đoạn bất thường này là hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động và đang làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về nguồn cung hàng hóa, giá cả và hoạt động kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sáng thứ Sáu tuần trước, giới chức cảng tại bờ Tây nước Mỹ ghi nhận một hiện tượng chưa từng thấy kể từ thời kỳ đại dịch: không một tàu hàng nào rời Trung Quốc để tới tổ hợp cảng San Pedro – gồm cảng Los Angeles và cảng Long Beach – trong vòng 12 tiếng trước đó. Chỉ sáu ngày trước, còn có tới 41 tàu dự kiến rời Trung Quốc tới khu vực này.

Hiện tượng vắng bóng tàu hàng từ Trung Quốc là một tín hiệu đáng lo, đặc biệt vì nó diễn ra quá đột ngột. Ông Mario Cordero – Tổng giám đốc cảng Long Beach – cảnh báo: “Đây là một dấu hiệu cảnh báo thực sự. Số lượng tàu hủy chuyến và giảm đến cảng hiện đã vượt mức mà chúng tôi từng chứng kiến trong thời kỳ đại dịch.”

Các cảng nhộn nhịp nhất nước Mỹ đang ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng về lượng hàng hóa. Cảng Long Beach giảm tới 35-40% sản lượng hàng so với mức bình thường, trong khi cảng Los Angeles giảm 31% chỉ trong một tuần. Cảng Seattle cũng không có bất kỳ tàu container nào cập cảng – điều hiếm thấy từ năm 2020 đến nay.

Một tàu chở hàng neo đậu tại bến container của cảng Liên Vân Cảng để bốc xếp container tại Thành phố Liên Vân Cảng, Tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 9 tháng 5 năm 2025.

Nguyên nhân nào khiến tàu hàng từ Trung Quốc biến mất?

Nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sách thuế quan mới được Tổng thống Donald Trump áp dụng hồi tháng trước, trong đó đánh thuế tới 145% lên phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là đòn giáng mạnh vào thương mại song phương khi hàng hóa trở nên quá đắt đỏ để các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục nhập khẩu.

Phía Trung Quốc cũng đáp trả bằng thuế 125% đối với hầu hết hàng xuất khẩu từ Mỹ. Kết quả là hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa hai nước bị ngưng trệ, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy thương mại toàn cầu.

Các nhà bán lẻ Mỹ – những người phụ thuộc lớn vào hàng hóa từ Trung Quốc – buộc phải tìm nguồn cung khác, trong khi người tiêu dùng bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu hàng và giá cả leo thang. “Nếu tình hình không sớm thay đổi, người tiêu dùng sẽ thấy các kệ hàng trống trơn trong vòng 30 ngày tới,” ông Cordero cảnh báo.

Tình hình này sẽ còn kéo dài bao lâu?

Thực tế đã cho thấy sự gián đoạn nguồn cung đang dần lan rộng đến người tiêu dùng. Khi hàng hóa nhập khẩu giảm mạnh và chi phí vận chuyển tăng cao, các nhà bán lẻ buộc phải tăng giá hoặc cắt giảm hàng tồn kho. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thiết yếu – từ đồ điện tử đến hàng tiêu dùng nhanh.

Hơn 60% hàng hóa cập cảng Long Beach có nguồn gốc từ Trung Quốc – chiếm tỉ lệ cao nhất so với bất kỳ cảng nào ở Mỹ. Dù con số này đã giảm từ mức 72% vào năm 2016 do căng thẳng thương mại kéo dài, Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Mỹ.

Với tình hình hiện tại, không chỉ người tiêu dùng mà cả chuỗi cung ứng và nền kinh tế nói chung đang chịu sức ép. Một số ngành sản xuất có nguy cơ bị ngưng trệ nếu nguyên vật liệu và linh kiện không thể đến đúng thời hạn.

Kết quả đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được bước tiến nào trong thời gian tới, xu hướng sụt giảm thương mại có thể trở nên trầm trọng hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trong khi người tiêu dùng tiếp tục đối mặt với giá cả tăng cao và thiếu hụt hàng hóa.

Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại hiện tại không chỉ là vấn đề ngắn hạn mà có thể tạo ra những thay đổi dài hạn đối với thương mại toàn cầu. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu Mỹ có thể duy trì vị thế thương mại mạnh mẽ nếu tiếp tục tách rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc.

Ngọc Linh (Theo CNN)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN