Đó là chia sẻ của chị Thanh M. (38 tuổi) – một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội. Chị M. cho hay, từ năm 2015 khi thị trường BĐS tại nhiều địa phương còn rất tiềm năng, cứ có tiền dư là chị và chồng lại tìm mua BĐS. Những lô đất này có giá rất rẻ, sau khi bán hầu như đều lãi bằng lần.
Năm 2020 chị M. quyết định nghỉ công việc tại ngân hàng. Cũng trong năm này, chị vay thêm tiền để đầu tư vào 02 căn shophouse tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đến nay giá giảm 30% không bán được mà vẫn phải trả lãi ngân hàng 70 triệu/tháng.
Nhiều nhà đầu tư sở hữu hàng chục bất động sản nhưng khổ sở vì thiếu tiền mặt
“Đất thổ cư có, nhà phố có, shophouse cũng có nhưng tôi lại đang khổ sở vì thiếu tiền mặt. Lương không còn, nhà cho thuê thì khách mới trả mặt bằng, trong khi tiền lãi ngân hàng mỗi tháng 70 triệu, tiền học 3 đứa nhỏ 50 triệu, chưa kể tiền sinh hoạt của gia đình khiến tôi thực sự áp lực trong nhiều tháng nay” – chị M. nói.
Khó khăn khi không có dòng tiền, đầu năm học này chị M. đành “cắn răng” rút hồ sơ chuyển học cho 2 con sang trường công khi một đứa vào lớp 3, một lớp 5 để giảm chi phí tối đa.
Chị M. cho hay, hai con lớn đang học song ngữ mỗi tháng hết hơn 40 triệu đồng, chuyển về trường công lập chi phí chỉ còn 3-5 triệu đồng.
“Tôi đành chuyển 2 bạn lớn về trường công, bạn nhỏ năm nay lên lớp song ngữ 5 tuổi thì cố gắng duy trì nốt. Chẳng còn cách nào tôi đành làm vậy, cảm giác thực sự bất lực” – chị M. nói thêm.
Được biết, trên nhiều diễn đàn bất động sản cũng có khá nhiều những tình huống “dở khóc, dở cười” trong giới đầu tư bất động sản được chia sẻ. Dù ôm nhiều đất nhưng cuộc sống lại trở nên khốn khổ vì không thoát được hàng.
Thậm chí, nhiều gia đình phát sinh mâu thuẫn vì đối diện áp lực nợ nần, trong khi đất thì không thể bán.
Nhiều gia đình mâu thuẫn, thậm chí "tan cửa nát nhà" vì ngộp tài chính
Chị Thảo – một môi giới BĐS tại Hoài Đức, cho hay, chị từng làm việc với một số nhà đầu tư từng chứng kiến họ nắm vốn hàng trăm tỷ đồng trong tay, mà nay cũng trong cảnh “túng tiền” vì trót “ôm” quá nhiều, trong đó có một số hàng mua khi chạm đỉnh và không thể thoát hàng kịp.
“Họ ngập đầu trong nợ nần khi trong tay có hàng mớ sổ đỏ nhưng thanh khoản không có, không bán được để trả nợ ngân hàng. Trận "động đất" này sẽ cuốn sạch tiền bạc, cơ đồ của không ít nhà đầu tư lướt sóng” – môi giới tên Thảo nói.
Thực tế, có khá nhiều nhà đầu tư “ngộp bank” rao bán hạ giá sâu để ra được hàng nhưng không dễ ở giai đoạn này. Vì thế, nhiều người gặp khó dòng tiền, tìm mọi cách thoát hàng nhưng không được. Gia đình lục đục, khó khăn bủa vây khiến nhiều nhà đầu tư “tiến thoái lưỡng nan”. Tình trạng ôm nhiều bất động sản nhưng không có tiền mặt đang diễn ra ngày càng nhiều ở các nhà đầu tư cá nhân.
Chia sẻ mới đây, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho hay, khi niềm tin thị trường bị lung lay cộng với áp lực lãi vay, nhiều nhà đầu tư chủ động giảm giá, bán tháo các tài sản hình thành trong tương lai ở một số thị trường vùng ven. Tuy nhiên, thanh khoản cũng không mấy khả quan khi nhiều khách hàng chuyển sang tâm lý phòng thủ, “tiền mặt là vua”, tạo nên thế giằng co giữa người bán và người mua, dẫn đến thanh khoản thấp.