Khi trẻ nói "con không muốn làm bài tập về nhà", câu trả lời của cha mẹ rất quan trọng

Nếu không xử lý đúng cách khi con chán học, cha mẹ có thể vô tình khiến con mình ngày càng buông xuôi, lười học hơn.

Đối với một học sinh, trách nhiệm của chúng là phải chăm chỉ học hành, nếu ngay cả việc nhỏ nhất là hoàn thành bài tập về nhà cũng không làm được, thì có thể làm gì trong tương lai? Thế nhưng, trên thực tế trẻ em ngày nay phải chịu rất nhiều áp lực trong học tập. Ngoài việc học trên lớp, chúng còn phải làm rất nhiều bài tập về nhà và cả bài tập ở các lớp học thêm.

Ảnh minh họa.

Một số cha mẹ than phiền rằng, khi con cái nói “không muốn làm bài tập về nhà”, họ không biết phải xử lý như thế nào để con có thể nhanh chóng lấy lại tinh thần, tập trung cho việc học. Lúc này, câu trả lời của cha mẹ rất quan trọng.

Dưới đây là 3 câu trả lời phổ biến nhất:

- Kiểu cha mẹ thứ 1: Lập tức mắng con, ra lệnh cho chúng phải ngồi vào bàn học ngay lập tức.

Nếu trả lời theo cách này sẽ gây ra một tâm lý phản kháng hoặc chán chường ở trẻ. Chúng cảm thấy việc học quá mệt mỏi, giống như bị ép buộc. Sau này khi trẻ gặp thất bại nào đó, chúng dễ buông xuôi, cảm thấy mình vô dụng, không thể làm tốt những việc nhỏ.

Trong tâm lý học có một câu nói kinh điển rằng: “Đa số trẻ con lớn lên sẽ làm theo lời cha mẹ, bạn nói được thì trẻ sẽ làm được”.

Vì vậy, đừng la mắng con cái một cách bừa bãi, đôi khi vài lời nói có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc đời của con mình.

- Kiểu cha mẹ thứ 2: Đe dọa, nếu con không làm bài tốt sẽ bị cái này, cái kia.

Nếu trả lời theo cách này, trẻ hoàn toàn không có tâm  trạng làm bài tập mà chỉ nghĩ tới những gì cha mẹ đang đe dọa mình, lo lắng những gì họ thực sự làm với mình. Nếu đó là một đứa trẻ vị thành niên, câu nói này còn vô dụng hơn, thậm chí là một mối đe dọa.

- Kiểu cha mẹ thứ 3: Nếu con làm xong bài tập nhanh thì sẽ được thưởng.

Kiểu cha mẹ khen thưởng tưởng chừng như có tác dụng nhưng thực chất lại khiến trẻ mất đi khả năng độc lập hoàn thành bài tập. Nếu không có phần thưởng khi học, trẻ dễ bỏ cuộc, thiếu động lực, tinh thần học tập chẳng thể kéo dài lâu.

Bài tập về nhà là việc của trẻ, chúng phải tự làm và phải nhận thức rõ điều này.

Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên làm gì khi con nói không muốn làm bài tập về nhà?

Con gái cô Hạ (Trung Quốc) thỉnh thoảng cũng rơi vào trường hợp này, lúc đó cô thường nghĩ là do bài vở quá nhiều, con chán học nên không muốn làm bài tập về nhà nữa.

Vì vậy, thay vì được nghỉ 20 phút sau khi đi học về, cô Hạ nhắc nhở con làm bài tập sớm, rút ngắn thời gian vui chơi để có thêm nhiều thời gian hoàn thành hết bài tập.

Không ngờ sau 1 tuần, tình hình không khả quan, con gái cô vẫn cứng đầu không chịu làm bài tập.

Thấy con mình như vậy, cô Hạ sốt sắng lo lắng. Sau đó, cô chợt nhận ra nếu mình quá “cứng” với con, con càng thờ ơ hơn. Vì vậy, cô chuyển sang nói chuyện thủ thỉ với con, hỏi xem con gái đang gặp vấn đề gì ở trường, tại sao lại không muốn làm bài tập về nhà.

Lúc này, cô Hạ mới biết được có nhiều kiến thức quá khó con học mãi chẳng hiểu, nhiều câu không làm được, bị cô giáo phê bình viết bừa, cuối cùng quá chán nản nên muốn bỏ cuộc.

Vì bận đi làm, khi con gái học hết lớp 3 nên cô Hạ không phải kèm bé làm bài, bài vở và bài tập về nhà đều do bé chủ động làm nên cô không rõ lắm về những tình huống này.

May mắn thay, cô đã kịp thời phát hiện ra nguyên nhân nên lập tức giải quyết vấn đề cùng với con.

Ảnh minh họa.

1. Chia nhỏ vấn đề

Chia nhỏ bài tập giáo viên giao, từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều.

Làm những câu hỏi đơn giản trước để tạo sự tự tin cho trẻ, sau đó mới tới bài khó, cũng nên bắt đầu từ những môn ít bài tập trước, từng bước từ từ giải quyết từng môn.

Đối với những bài toán khó, cô Hạ sẽ cùng con tra cứu sách tham khảo, sách giáo khoa hoặc tìm cách giải trên mạng, tóm lại là để trẻ biết rằng mình không “chiến đấu” một mình.

2. Sắp xếp thời gian

Ngoài việc làm bài ra, trẻ cũng nên có thời gian vui chơi. Vì vậy, cô Hạ cùng con thống nhất thời gian học và chơi, như vậy trẻ sẽ ít bị áp lực hơn. Đồng thời, điều này có thể trau dồi khả năng quản lý thời gian của trẻ.

3. Khẳng định và khuyến khích

Những lời khẳng định, động viên của cha mẹ sẽ luôn là động lực để con tiến lên. Khi con đạt được một vài thành tích nhỏ trong học tập, cô Hạ sẽ không ngần ngại khen ngợi con.

Với sự điều chỉnh hàng loạt trong cách dạy, con gái cô Hạ chăm chỉ học tập, tự giác như trước. Bây giờ, cô bé không lùi bước khi gặp khó khăn, và có thêm tinh thần dám thử thách.

Vì vậy, theo kinh nghiệm của cô Hạ, khi trẻ nói “con không muốn làm bài tập”, cha mẹ đừng vội la mắng trẻ, bởi đằng sau câu nói này, chúng đã gặp khó khăn nên mới có cảm xúc như vậy. Điều cha mẹ phải làm là cùng con phân tích vấn đề bằng sự đồng cảm, sau đó cùng nhau giải quyết vấn đề.

THÙY LINH (Theo Touliao)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN