Kế hoạch thuế quan của ông Trump có gì đặc biệt?
Chính quyền ông Trump đang chuẩn bị áp dụng mức thuế quan "đối ứng" lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính của Mỹ như Canada, Mexico, Trung Quốc và châu Âu.
Dù chưa có con số chính thức, mức thuế được nhắc đến nhiều nhất là 20%, trong khi một số chuyên gia dự đoán con số thực tế có thể là 10% đối với hầu hết các quốc gia, nhưng lên đến 60% đối với Trung Quốc.
Mục tiêu của ông Trump là giảm mức thâm hụt thương mại kỷ lục 131,4 tỷ USD và thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn chưa rõ liệu biện pháp này có thực sự giúp ích cho nền kinh tế Mỹ hay sẽ gây ra những tác động tiêu cực.
Về lý thuyết, thuế nhập khẩu làm tăng giá hàng hóa và có thể gây ra lạm phát. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên, dù áp thuế mạnh, ông Trump không tạo ra tình trạng lạm phát kéo dài mà chỉ có những đợt tăng giá tạm thời.
Lần này, phạm vi áp thuế rộng hơn, khiến nhiều người lo ngại về kịch bản xấu nhất: một cuộc chiến thương mại toàn cầu giống như Smoot-Hawley năm 1930. Khi đó, hàng rào thuế quan đã làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây suy thoái.
Một số chuyên gia, như Mohamed El-Erian từ Allianz, nhận định rằng nếu các nước trả đũa bằng biện pháp tương tự, Mỹ có thể rơi vào tình trạng "stagflation" – vừa lạm phát cao, vừa tăng trưởng chậm.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ có bị ảnh hưởng?
Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ xuống chỉ còn 1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với dự báo 1,7% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Ngoài ra, Goldman Sachs cũng nâng mức dự báo suy thoái kinh tế lên 35%, trong khi Wilmington Trust thậm chí còn đánh giá rủi ro này ở mức 40%. Các chuyên gia lo ngại rằng thuế quan sẽ làm suy yếu niềm tin tiêu dùng và khiến doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch tuyển dụng, đầu tư.
Một khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy các doanh nghiệp đang tạm dừng đơn đặt hàng mới do chưa rõ chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của họ.
Một nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc vào hàng nhập khẩu có thể là mục tiêu dài hạn của ông Trump, nhưng trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể đối mặt với giá cả tăng cao.
Khi các mặt hàng thiết yếu như ô tô, điện tử, hàng tiêu dùng chịu thuế nhập khẩu cao hơn, chi phí sẽ bị đẩy lên và làm giảm sức mua của người dân. Trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm, đây có thể là một cú sốc lớn với kinh tế Mỹ.
Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng thuế quan không chỉ là một "đợt tăng giá tạm thời", mà nếu kéo dài, nó có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực kéo dài đến tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.