Bitcoin giảm mạnh đầu tuần này
Bitcoin đã tụt xuống dưới mốc 78.000 USD trong phiên tối Chủ nhật (giờ Mỹ), đánh dấu mức giảm hơn 6% trong ngày, còn 77.730 USD theo dữ liệu từ Coin Metrics. Đồng tiền số này đã từng giao dịch ổn định trên mốc 80.000 USD trong phần lớn thời gian của năm nay, ngoại trừ một vài lần điều chỉnh nhẹ. So với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 1, Bitcoin đã mất khoảng 28% giá trị.
Nguyên nhân chính được cho là do tâm lý hoang mang của nhà đầu tư trước những biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020, sau khi ông Trump công bố loạt thuế nhập khẩu mới nhắm vào toàn cầu. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế diện rộng.
Mặc dù thường được coi là chỉ báo tâm lý thị trường và có xu hướng giao dịch giống cổ phiếu công nghệ lớn, Bitcoin lại giữ vững mức giá 82.000–83.000 USD vào tuần trước, trong khi cổ phiếu và vàng đều giảm. Tuy nhiên, đà giảm đã không tránh khỏi khi làn sóng bán tháo gia tăng vào cuối tuần.
Bên cạnh Bitcoin, nhiều đồng tiền mã hóa lớn khác cũng chịu tác động mạnh. Ethereum (Ether) và token của nền tảng Solana đều giảm khoảng 12% trong phiên đêm. Đây là mức giảm sâu phản ánh tâm lý bi quan lan rộng của giới đầu tư đối với các tài sản rủi ro.
Tình trạng bán tháo không chỉ khiến giá giảm mà còn dẫn đến hiện tượng "long liquidation" – tức là các nhà giao dịch đặt cược giá tăng buộc phải bán tài sản khi khoản lỗ vượt ngưỡng chịu đựng. Theo dữ liệu từ CoinGlass, trong 24 giờ qua, Bitcoin ghi nhận hơn 247 triệu USD bị thanh lý ở vị thế long, trong khi Ether cũng bị thanh lý tới 217 triệu USD.
Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, vốn có thể giao dịch tiền mã hóa suốt 24/7, đã tranh thủ cuối tuần để cắt lỗ hàng loạt, trước khi thị trường có thể tiếp tục biến động dữ dội hơn vào đầu tuần mới.

Xu hướng tiếp theo của Bitcoin sẽ ra sao?
Động thái đánh thuế mạnh tay của ông Donald Trump với toàn bộ hàng nhập khẩu – bao gồm cả các đối tác thương mại lớn – đã làm dấy lên nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu. Giới đầu tư lo ngại điều này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái và kéo theo khủng hoảng lan rộng trên toàn thế giới.
Chỉ trong hai phiên giao dịch sau khi thông báo được đưa ra, thị trường chứng khoán toàn cầu đã bốc hơi 7.460 tỷ USD giá trị vốn hóa, theo chỉ số S&P Global Broad Market. Riêng thị trường Mỹ mất tới 5.870 tỷ USD, trong khi các thị trường lớn khác trên thế giới mất thêm 1.590 tỷ USD.
Không chỉ cổ phiếu bị ảnh hưởng, mà cả những tài sản từng được coi là “trú ẩn an toàn” như vàng cũng sụt giảm, cho thấy mức độ hoảng loạn đang bao trùm giới đầu tư toàn cầu.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Bitcoin đã mất khoảng 15% giá trị. Trong bối cảnh hiện tại, khi không có động lực riêng đặc biệt từ nội tại thị trường tiền mã hóa, Bitcoin có khả năng sẽ tiếp tục giao động theo xu hướng của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Điều này đồng nghĩa, nếu thị trường tài chính tiếp tục giảm vì lo ngại suy thoái và chiến tranh thương mại, Bitcoin cũng khó tránh khỏi đà giảm thêm. Những kỳ vọng trước đó về việc các chính sách quy định mới có thể hỗ trợ thị trường tiền mã hóa hiện đang bị lu mờ bởi những lo ngại lớn hơn từ nền kinh tế vĩ mô.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu không có cú hích nào mới từ công nghệ hoặc chính sách ủng hộ tiền mã hóa, thì Bitcoin sẽ khó tạo được sự phục hồi mạnh mẽ trong ngắn hạn.