Người biểu tình Gruzia tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào đêm ngày 12/5.
Dự luật nếu được thông qua sẽ buộc đưa các cá nhân và tổ chức nhận trên 20% tài trợ nước ngoài vào danh sách "chịu ảnh hưởng từ nước ngoài". Dự luật được cho là tương tự với quy định có hiệu lực ở Nga và được xem như là "quy định của Nga" ở Gruzia.
Cuối tuần qua, khoảng 50.000 người biểu tình đã tuần hành trên đường phố ở thủ đô Tbilisi để phản đối dự luật. Bộ Nội vụ Gruzia cảnh báo người biểu tình cần chấm dứt bao vây lối vào tòa nhà Quốc hội để các nhà lập pháp có thể làm việc.
"Nếu không, cảnh sát sẽ hành động trong khuôn khổ pháp luật", Bộ Nội vụ Gruzia cảnh báo. Bộ trưởng Nội vụ Gruzia Vakhtang Gomelauri nói những người biểu tình tiếp tục chặn lối vào tòa nhà Quốc hội có thể đối mặt với án tù giam "lên tới 4 năm".
Theo ghi nhận, cho đến rạng sáng ngày 13/5, đám đông người biểu tình vẫn tụ tập ở lối vào tòa nhà Quốc hội, giương cao lá cờ quốc gia và cờ Liên minh châu Âu (EU). Người biểu tình lo ngại việc dự luật được thông qua có thể cản trở tiến trình gia nhập EU của quốc gia. Đảng cầm quyền Gruzia dự kiến thông qua dự luật trong tuần này.
Đây là ngày thứ 35 liên tiếp diễn ra biểu tình ở Gruzia. Đám đông tham gia biểu tình chủ yếu là các thanh niên, những người mong muốn quốc gia xích lại gần hơn với EU.
Người biểu tình có tư tưởng thân EU phản đối việc chính phủ muốn áp đặt điều luật giống với quy định ở Nga.
Trong những ngày qua, có các trường hợp người biểu tình đụng độ với cảnh sát, bị cảnh sát giải tán bằng đạn cao su, vòi rồng và hơi cay.
Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze bảo vệ việc cảnh sát sử dụng vũ lực, đổ lỗi cho người biểu tình vì "kích động bạo lực".
Dự luật "đặc vụ nước ngoài" lần đầu được Đảng Giấc mơ Gruzia - đảng cầm quyền của Thủ tướng Kobakhidze đề xuất vào năm 2023. Nhưng chính phủ sau đó đã rút dự luật do sự phản đối của người dân.
Đảng Giấc mơ Gruzia đệ trình dự luật lên Quốc hội một lần nữa vào tháng 4 năm nay với một số sửa đổi nhỏ. Pawel Herczynski, Đại sứ EU ở Gruzia, nói dự luật trên "không phù hợp" với các giá trị và chuẩn mực của EU.
Gruzia là quốc gia giáp biên giới phía nam, từng xảy ra xung đột với Nga vào năm 2008. Chính phủ Gruzia hiện nay chủ trương trung lập, vừa thúc đẩy tiến trình gia nhập EU, vừa duy trì quan hệ hợp tác với Nga.
Hôm 4/5, Thủ tướng Kobakhidze từng cáo buộc Mỹ muốn gây ra bạo loạn ở Gruzia để biến quốc gia này thành "mặt trận thứ hai chống Nga", sau Ukraine.