Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 11/2023

Giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023; Thay đổi tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công cho lãnh đạo… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2023.

Giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023

Từ ngày 20/11/2023, Quyết định 25/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo Quyết định 25, sẽ giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Tiền thuê đất năm 2023 của người dân có thể được giảm 30%. Ảnh minh họa

Chính sách này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, không thực hiện giảm tiền thuê đất đối với số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).

Thay đổi tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công cho lãnh đạo

Nghị định 72/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô sẽ có hiệu lực từ 10/11/2023. Nghị định này thay thế cho Nghị định số 04/2019/NĐ-CP.

Tăng giá trị xe ô tô công phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo. Ảnh minh họa

Một số điều chỉnh đáng chú ý của Nghị định 72/2023 như:

Thứ nhất, tiêu chí về hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo không còn là căn cứ để xác định chức danh lãnh đạo có được sử dụng xe công hay không.

Trước đây Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định, chức danh lãnh đạo được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác phải có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên. Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác là các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên.

Tuy nhiên theo tiến trình cải cách chế độ tiền lương, việc sử dụng hệ số phụ cấp chức vụ không còn phù hợp, do đó Nghị định 72 đã quy định thành các nhóm chức danh, chức vụ được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác.

Thứ 2, tăng giá trị xe ô tô công phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo.

Xe ô tô phục vụ thường xuyên trong thời gian công tác của Ủy viên Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội… tăng từ 1,1 tỷ đồng lên thành 1,6 tỷ đồng.

Xe ô tô phục vụ thường xuyên trong thời gian công tác của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán nhà nước; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… tăng từ 1,1 tỷ đồng lên thành 1,55 tỷ đồng…

Tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

Từ ngày 25/11/2023, Thông tư 17/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ có hiệu lực.

Theo đó, mỗi đội tuyển dự thi học sinh giỏi tối đa có 10 người. Riêng Hà Nội và TP.HCM tối đa có 20 người.

Quy chế cũng tăng tỉ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để đảm bảo phù hợp với quy định của các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Cụ thể, có 60% đoạt giải từ giải khuyến khích trở lên (trước là 50%). Trong đó, tổng số giải nhất, nhì, ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Theo quy chế, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tổ chức các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý và các môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc). Chỉ xem xét tổ chức thi đối với môn thi có ít nhất 5 đơn vị đăng ký trở lên. Việc điều chỉnh môn thi sẽ được bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, sẽ tổ chức các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học.

Nội dung thi chọn học sinh giỏi quốc gia nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung dạy học các môn chuyên cấp THPT. Riêng kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có nội dung thi tiếp cận với Olympic quốc tế và khu vực.

Công chức ngành thống kê có thể nhận lương đến gần 12 triệu đồng/tháng

Thông tư số 08/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có hiệu lực từ 15/11/2023 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành thống kê.

Mức lương cao nhất của công chức ngành thống kê có thể nhận là gần 12 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa

Theo đó, các ngạch công chức chuyên ngành thống kê sẽ được xếp lương như sau:

Ngạch Thống kê viên cao cấp (mã số 23.261): Hệ số lương 6,20 - 8,00, tương đương 9,238 đến 11,92 triệu đồng/tháng.

Ngạch Thống kê viên chính (mã số 23.262): Hệ số lương 4,40 - 6,78, tương đương 6,556 đến 10,102 triệu đồng/tháng.

Ngạch Thống kê viên (mã số 23.263): Hệ số lương 2,34 - 4,98, tương đương 3,486 - 7,420 triệu đồng/tháng.

Ngạch Thống kê viên trung cấp (mã số 23.264): Hệ số lương 2,10 - 4,89, tương đương 3,129 đến 7,286 triệu đồng/tháng.

Ngạch Nhân viên thống kê (mã số 23.265): Hệ số lương 1.86 - 4,06, tương đương 2,771 đến 6,049 triệu đồng/tháng.

Như vậy, theo Thông tư mới, lương công chức ngành thống kê có thể đạt mức gần 12 triệu đồng/tháng.

Hà Giang

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN