Người đàn ông từng chìm đắm trong thế giới “trai ngành” với những cám dỗ và góc khuất (Ảnh chụp màn hình)
Từng chìm đắm trong thế giới “trai ngành” với những cám dỗ và góc khuất, một người đàn ông (quê Cần Thơ, sinh sống tại TP.HCM) đã quyết định hoàn lương. Hiện tại, anh tận tụy làm công việc tiếp cận viên cộng đồng, tư vấn và xét nghiệm HIV. Câu chuyện của anh được chia sẻ trong chương trình Real Talk (Phút nói thật, tập 7), mang đến góc nhìn chân thực về một thực tế ít được nhắc đến.
Anh từng làm nghề bốc vác với thu nhập chỉ vài chục đến trăm ngàn đồng mỗi ngày. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh chọn cách kiếm sống bằng việc “tiếp khách” thông qua giới thiệu từ những người bạn đồng giới. Ban đầu, mỗi lần gặp khách, anh chỉ nhận được 50 ngàn đồng. “Khi cầm những đồng tiền đầu tiên, tôi thấy nhục nhã. Tôi tự hỏi tại sao người khác có cuộc sống ổn định còn mình lại rơi vào con đường này,” anh chia sẻ.
Dần dần, anh thích nghi với công việc và gia nhập “động” dưới sự quản lý của các “má mì”. Mức thu nhập tăng lên, dao động từ 120 đến 500 ngàn đồng, nhưng kèm theo đó là sự chia chác khắt khe: má mì lấy 30-50%, phần còn lại thuộc về người hành nghề.
Theo anh, đa phần những người trong nghề là học sinh, sinh viên, hoặc người lao động nghèo bị lừa hoặc ép buộc. Họ thường bị kiểm soát chặt chẽ, không được sử dụng điện thoại và bị cô lập trong không gian kín. “Có những nơi còn cấm nhân viên dùng bao cao su, khiến việc lây nhiễm bệnh rất cao, đặc biệt là HIV,” anh nói.
Trong thời gian làm nghề, anh không ít lần gặp phải những khách hàng có yêu cầu kỳ quái nhưng vẫn phải chiều lòng để tránh mất mối và làm phật ý má mì.
Dù hoạt động vì tiền, anh thừa nhận từng có những mối quan hệ phát sinh tình cảm thật. Đáng nhớ nhất là khi một khách quen đồng ý chu cấp 120 triệu để duy trì mối quan hệ. Tuy nhiên, biến cố xảy ra khi một khách cũ báo tin anh ta nhiễm HIV và khuyên anh đi kiểm tra. Dù may mắn không bị nhiễm, anh bàng hoàng khi biết hơn một nửa bạn tình cũ đều mắc bệnh.
Biến cố này khiến anh thay đổi. Anh rời bỏ nghề và chọn con đường làm tiếp cận viên cộng đồng, giúp người khác phòng tránh và kiểm tra HIV. Khi nhìn lại quá khứ, anh nhắn nhủ đến chính mình năm 20 tuổi: “Hãy học hỏi, lao động chân chính và phấn đấu, vì con đường phía trước còn rất dài.”
Câu chuyện của anh là lời cảnh tỉnh sâu sắc về cái giá của những quyết định sai lầm và ý nghĩa của việc làm lại từ đầu.