Forbes: Hé lộ những “lữ đoàn chiến đấu ma” trong quân đội Ukraine

Ít nhất hai lữ đoàn chiến đấu của Ukraine gần đây được xác định là không có thật và chưa rõ mục đích đằng sau việc Kiev tạo ra “lữ đoàn chiến đấu ma” như vậy.

Một trong số các hình ảnh mô tả “Lữ đoàn Cơ giới số 88” tham gia huấn luyện. Ảnh: Forbes.

Kể từ khi nổ ra xung đột với Nga vào năm 2022, quy mô quân đội Ukraine đã tăng đáng kể. Thông qua sắc lệnh tổng động viên và thiết quân luật, Ukraine đã xây dựng nhiều lữ đoàn chiến đấu mới. Quy mô mỗi lữ đoàn khoảng 2.000 người và được trang bị hàng trăm phương tiện chiến đấu.

Theo tạp chí Forbes, ít nhất hai lữ đoàn mà Ukraine tuyên bố thành lập không có thật. Tháng 2/2023, xuất hiện các hình ảnh Lữ đoàn Cơ giới số 88 và Lữ đoàn Jager số 13 trên mạng xã hội ở Ukraine. Hình ảnh bao gồm binh sĩ và trang thiết bị mới được trang bị cho lữ đoàn.

Vài tuần sau, chính quyền địa phương Ukraine ở khu vực giáp biên giới Belarus, thông báo lữ đoàn số 88 và lữ đoàn Jager số 13 đã được triển khai nhằm củng cố biên giới phía bắc.

Tuy nhiên, thực tế không có hoạt động triển khai nào như vậy. Militaryland, một tổ chức chuyên theo dõi cơ cấu quân đội Ukraine, đã nghi ngờ khi không thấy bằng chứng nào cho thấy Lữ đoàn Jager số 13 hoặc lữ đoàn số 88 hoạt động kể từ đầu năm 2023.

Gần đây, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine xác nhận lữ đoàn số 88 không hề tồn tại. “Không có lữ đoàn chiến đấu số 88 nào trong cơ cấu quân đội Ukraine”, Bộ Tổng tham mưu cho biết.

“Lữ đoàn Jager số 13 nhiều khả năng cũng không hề tồn tại”, Militaryland kết luận.

Tạp chí Forbes lưu ý, hai “lữ đoàn chiến đấu ma” này không hề kêu gọi người dân quyên góp tiền để mua vũ khí nên đây có thể không phải là hình thức lừa đảo tài chính.

“Hai lữ đoàn này có thể nằm trong chiến dịch mang tính tâm lý của quân đội Ukraine hoặc do một nhóm binh sĩ Ukraine ở cấp trung đội hoặc đại đội tự đặt ra”, Militaryland nhận định.

Ukraine từng thông báo đưa thêm binh sĩ tới khu vực biên giới phía bắc giáp Belarus trước nguy cơ Nga có thể mở mặt trận ở khu vực này. Tuy nhiên, ngoại trừ giai đoạn đầu của cuộc xung đột, khu vực biên giới phía bắc vẫn khá yên bình.

Theo nhận định của Forbes, đây có thể không phải là “hai lữ đoàn chiến đấu ma” duy nhất trong hàng ngũ quân đội Ukraine. Kiev có thể tạo ra các lữ đoàn không có thật nhằm khiến Nga nghĩ rằng Ukraine có quân số tăng đáng kể.

Nhưng nếu đây là một phần trong chiến dịch tâm lý của Ukraine, "vì sao Bộ Tổng tham mưu ở Kiev lại xác nhận lữ đoàn không tồn tại một cách dễ dàng như vậy?", Forbes nêu thắc mắc.

Nhật Minh - Forbes

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN