Nhìn lại 2023
Theo Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An, EVN đã vượt qua năm 2023 đầy cam go, thử thách. Mặc dù vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhưng toàn thể lãnh đạo, CBCNV đã đạt được một số thành tích đáng khích lệ. Nhiều chỉ tiêu của EVN đạt mức khá so với khu vực và trên thế giới như: Độ tin cậy cung cấp điện; tổn thất điện năng; hoàn thành khối lượng đầu tư xây dựng lớn, với tổng giá trị đầu tư xây dựng toàn tập đoàn ước đạt 90.997 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555MW, tăng gần 2.800MW so với năm 2022; trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 27% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống.
EVN tiếp tục tập trung đẩy mạnh các dịch vụ điện điện tử, thanh toán tiền điệnkhông dùng tiền mặt, điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. Đến nay, tỷ lệkhách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 96,27%; tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua các Trung tâm,Trungtâm Hànhchính công,Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phốđạt 99,99%... Theo dữ liệu được công bố trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tháng 8/2023, EVN đứng thứ nhất và là đơn vị đã xuất sắc duy trì vị trí dẫn đầu trong nhiều tháng liên tiếp. Đặc biệt, Tập đoàn kết nối cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư để xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số CCCD/CMND. EVN đã đóng góp tích cực trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06).
Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng mới tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2023, thời gian cấp điện lưới trung áp giảm còn 2,73 ngày; thời gian cấp điện lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt 2,33 ngày, khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,4 ngày.
Song song đó, EVN cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động; hoàn thành triển khai và đưa vào vận hành hệ thống giám sát an ninh mạng (SOC), kết nối thành công đến SOC quốc gia.
Tập đoàn đã triển khai công tác bảo vệ môi trường một cách bài bản, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; gắn sản xuất kinh doanh điện với việc phát triển bền vững. Hiện nay, EVN đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu môi trường trong toàn Tập đoàn trên nền tảng công nghệ số, từng bước thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác quản trị môi trường của EVN.
Song song đó, EVN cũng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính; tăng cường các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế với các lĩnh vực trọng tâm như phát triển nguồn lưới điện, đổi mới sáng tạo và chuyển dịch năng lượng; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CBCNV và tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Hiệu quả - minh bạch trong mọi hoạt động
Năm 2024, EVN triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh phải đối mặt hàng loạt thách thức: Khó khăn trong cân đối tài chính do tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào (giá nhiên liệu, tỷ giá, ...); diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn; việc đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; mất cân đối trong cân đối cung cầu giữa các miền, trong đó miền Bắc không có nguồn điện dự phòng…
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An chia sẻ, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Hiện nay, EVN chỉ chiếm 37% công suất đặt toàn hệ thống, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 8%, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chiếm 2%, còn lại là của các chủ đầu tư, thành phần kinh tế khác. Do vậy, EVN rất mong Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Điều tiết Điện lực bám sát kế hoạch cung ứng điện đã được Bộ trưởng phê duyệt để đôn đốc các chủ nhà máy giữ độ tin cậy tối đa trong vận hành hệ thống, đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện…
“Về phía EVN, xác định được những khó khăn, thách thức, EVN đã xây dựng kế hoạch cho năm 2024 với nỗ lực cao nhất để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%; đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn được phát triển bền vững”, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cho hay.
Tập đoàn sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng; trọng tâm trước mắt mà là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong công tác quản trị doanh nghiệp, EVN sẽ đi theo hướng quản trị quốc tế, đặt hiệu quả lên hàng đầu, minh bạch trong tất cả mọi hoạt động. Minh mạch từ lập phương thức vận hành hệ thống điện, kế hoạch vận hành thị trường điện, trong đàm phán các hợp đồng mua bán điện, mua sắm…. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền; triệt để chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. EVN cũng sẽ tiếp tục nỗ lực nội tại trong tiết kiệm chi phí từ khâu mua điện, vận hành hệ thống điện, thị trường điện, cho đến quá trình đàm phán các hợp đồng, chi phí đầu tư xây dựng, phân phối, mua sắm…
“EVN phải sánh vai được với các doanh nghiệp lớn của ngành Điện ở khu vực và tiến tới là trên thế giới về tất cả các chỉ tiêu “có thể đong đếm được”. Để làm được điều đó, EVN và các đơn vị thành viên phải khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; cần những người tâm huyết trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Riêng năm 2024, hơn 97.000 cán bộ, công nhân viên toàn tập đoàn sẽ quyết tâm cao nhất, nỗ lực cao nhất để hoàn thành được nhiệm vụ được giao, đặt nền móng căn bản, bền vững để phát triển trong những năm tới” - Chủ tịch HĐTV EVN khẳng định quyết tâm.