Hợp đồng mới của Lực lượng Không gian Mỹ có gì đặc biệt?
Hợp đồng phóng tên lửa do Lực lượng Không gian Mỹ công bố ngày 5/4 là một phần trong chương trình lớn mang tên National Security Space Launch (NSSL) – chương trình phóng vệ tinh an ninh quốc gia. Đây là giai đoạn thứ ba của kế hoạch mua sắm dịch vụ phóng tên lửa cho các vệ tinh quân sự và tình báo quan trọng của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2029, sẽ có 54 nhiệm vụ được phân bổ cho ba công ty tư nhân theo từng đợt cụ thể. Trong đó, SpaceX được giao 28 nhiệm vụ với trị giá 5,9 tỷ USD; ULA nhận 19 nhiệm vụ tương ứng 5,3 tỷ USD; và Blue Origin đảm nhiệm 7 nhiệm vụ, trị giá 2,3 tỷ USD, dự kiến sẽ được thực hiện vào các năm sau.
Các nhiệm vụ này đều nằm trong nhóm khó nhất và đắt đỏ nhất – "Lane 2", bao gồm các quỹ đạo phức tạp quanh Trái đất, chỉ dành cho những công ty có kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến nhất.
Với tốc độ phóng tên lửa vượt trội và kinh nghiệm dày dặn, SpaceX của Elon Musk đang là đối tác phóng tên lửa hàng đầu của chính phủ Mỹ. Công ty sử dụng các tên lửa Falcon 9 và Falcon Heavy (gồm ba tên lửa Falcon 9 ghép lại) cho những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Falcon 9 hiện là phương tiện phóng hoạt động nhiều nhất thế giới và đã thực hiện hàng chục nhiệm vụ không gian cho quân đội Mỹ.
Không chỉ vượt trội về công nghệ, chi phí phóng rẻ nhờ khả năng tái sử dụng tên lửa là một lợi thế lớn của SpaceX, khiến các đối thủ như ULA hay Blue Origin gặp khó trong việc cạnh tranh.
Theo nguồn tin nội bộ, trong năm đầu tiên của chương trình NSSL giai đoạn 3, SpaceX có thể sẽ được giao phần lớn các nhiệm vụ. Việc công ty giành được hợp đồng lớn tiếp tục củng cố vị trí thống trị của họ trên thị trường phóng vệ tinh quân sự.
ULA, liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, vẫn giữ được vị thế khi giành được 40% khối lượng nhiệm vụ trong giai đoạn 3. Công ty sử dụng tên lửa mới Vulcan, vừa được Lầu Năm Góc cấp chứng nhận sử dụng cho nhiệm vụ an ninh quốc gia sau khi trải qua một đợt kiểm tra do sự cố động cơ tên lửa rắn.
Trong giai đoạn 2 trước đó, ULA từng nắm 60% hợp đồng, nhưng một số nhiệm vụ đã phải chuyển sang cho SpaceX do trì hoãn phát triển Vulcan, khiến giới chức quốc phòng Mỹ không hài lòng.
Còn Blue Origin, công ty của tỷ phú Jeff Bezos, mới chỉ có một lần phóng tên lửa New Glenn vào tháng 1 vừa rồi và ít kinh nghiệm hơn hai đối thủ còn lại. Tuy nhiên, với 7 nhiệm vụ trong tay, đây là bước tiến lớn trong nỗ lực chen chân vào thị trường phóng vệ tinh quân sự – một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng rất khắt khe.

Logo SpaceX và mô hình vệ tinh thu nhỏ
Vai trò và ảnh hưởng của Elon Musk trong các hợp đồng
Elon Musk không chỉ là CEO SpaceX mà còn giữ vai trò nhân viên đặc biệt của chính phủ Mỹ. Ông có mối quan hệ thân thiết với chính quyền Tổng thống Donald Trump và từng có tiếng nói lớn trong việc cải tổ hoạt động của các cơ quan liên bang.
Với những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD mà SpaceX đang nắm giữ, Musk trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiến lược không gian của Lầu Năm Góc. Sau khi giành phần lớn hợp đồng trong đợt phân bổ mới, ông không ngần ngại chỉ trích các đối thủ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter):
“Nghe có vẻ như 60% là phần thắng hào phóng, nhưng sự thật là các đối thủ của SpaceX hiện không thể hoàn thành nổi 40% còn lại! Tôi mong họ thành công, nhưng thực tế thì họ chưa đủ khả năng.”
Trước khi SpaceX nổi lên, thị trường phóng vệ tinh quân sự của Mỹ từng bị thống trị bởi ULA. Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ qua, SpaceX đã dần chiếm lĩnh nhờ chiến lược đổi mới công nghệ và tiết kiệm chi phí.
Trong giai đoạn 2 của chương trình NSSL, SpaceX giành 40% hợp đồng, ULA nắm 60% – tổng trị giá hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, việc ULA chậm trễ trong phát triển Vulcan khiến một số nhiệm vụ phải chuyển giao cho SpaceX.
Sự nổi lên của SpaceX không chỉ làm thay đổi cán cân cạnh tranh mà còn ảnh hưởng đến cách chính phủ Mỹ mua sắm và triển khai vệ tinh quân sự – một lĩnh vực chiến lược trong bối cảnh không gian ngày càng trở thành mặt trận cạnh tranh công nghệ và an ninh.