Xe chiến đấu bộ binh Marder do Đức sản xuất tham gia cuộc tấn công của Ukraine ở vùng Kursk. Ảnh chụp từ máy bay không người lái (UAV) của Nga.
Các nguồn tin từ Nga cho biết, quân đội Ukraine sử dụng nhiều vũ khí phương Tây cung cấp trong cuộc tấn công ở vùng Kursk, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Marder do Đức sản xuất. Cuộc tấn công từ ngày 6/8 khác biệt so với những cuộc đột kích xuyên biên giới trước đây của các lực lượng thân Ukraine.
"Với các vũ khí chúng tôi đã chuyển cho Ukraine, đó là vũ khí Ukraine", ông Faber nói với báo Đức Berliner Morgenpost hôm 8/8, nhấn mạnh điều này áp dụng với tất cả các vũ khí, bao gồm xe tăng Leopard 2.
"Trong cuộc xung đột ở Ukraine, lãnh thổ của hai bên đều là chiến trường. Việc sử dụng vũ khí như vậy phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế", ông Faber nói.
Hôm 8/8, trong cuộc họp trực tuyến với quyền thống đốc vùng Kursk Alexei Smirnov, ông Putin nói "đây là hành động leo thang quy mô lớn của Ukraine".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không bình luận trực tiếp về các cuộc tấn công của Ukraine ở vùng Kursk của Nga, nhưng nói Nga “nên cảm nhận những gì đã làm” với Ukraine. “Nga đã mang chiến tranh đến đất nước chúng tôi, và họ nên cảm nhận những gì đã làm”, ông Zelensky nói.
Bình luận về cuộc tấn công của Ukraine ở vùng Kursk của Nga, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, ông Faber nói "đây là cuộc tấn công hợp pháp và có ý nghĩa về mặt quân sự, nhằm buộc Nga phải rút quân ở tiền tuyến miền đông".
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức, ông Marcus Faber. Ảnh: DPA.
"Ukraine đang chứng minh năng lực hành động, cho thấy cuộc xung đột không chỉ ảnh hưởng tới người dân Ukraine mà còn cả người dân Nga", ông Faber nhận định.
"Bất kỳ quốc gia nào phát động một cuộc xung đột nhằm chống lại nước láng giềng đồng nghĩa lãnh thổ của họ cũng có thể trở thành một vùng chiến sự", ông Faber nói. "Chúng tôi chỉ có thể hi vọng Ukraine sẽ thành công, kể cả ở Kursk".
"Kiev càng thành công thì Moscow sẽ càng nhận ra không đạt được bất cứ điều gì trong cuộc xung đột ở Ukraine", ông Faber nói.
Đức hiện là quốc gia hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ. Tuy vậy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn từ chối cung cấp cho Ukraine các vũ khí uy lực, bao gồm tên lửa tầm xa Taurus.
Cũng trong ngày 8/8, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đề xuất đáp trả việc Ukraine tấn công vùng Kursk bằng cách tiến quân tới nhiều khu vực của Ukraine, bao gồm Kiev.
Ông Medvedev nói từ thời điểm này trở đi, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga phải trở thành hoạt động bên ngoài lãnh thổ, nghĩa là chiến dịch có thể vượt ra ngoài phạm vi 4 vùng ở Ukraine mà Nga đã sáp nhập năm 2022.
“Đây không còn là chiến dịch giành lại đất đai và trừng phạt Ukraine. Chúng ta nên tiến sâu hơn vào Ukraine, hướng tới Odessa, Kharkiv, Dnepropetrovsk, Mykolaiv, hướng tới Kiev và xa hơn nữa", ông Medvedev cho biết trong thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Telegram.