Điện thoại có tốt đến mấy, đây cũng là phụ kiện nên mua

Một trong những khoảnh khắc đáng sợ nhất là khi chiếc smartphone bất ngờ rơi xuống đất, nhiều người sẽ lập tức lật lại để kiểm tra và mong muốn nó không bị nứt.

Nhưng ngoài việc vô tình làm rơi, còn nhiều lý do khác khiến người dùng thực sự lo ngại nếu smartphone của mình không có ốp lưng bảo vệ.

Bảo hiểm thiệt hại do tai nạn không gồm hao mòn hàng ngày

Dù người dùng có cẩn thận đến đâu, rủi ro vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các gói bảo hiểm như AppleCare+ hay Samsung Care+ giúp bảo vệ thiết bị khỏi những sự cố bất ngờ như rơi, đổ nước hay màn hình bị nứt. Tuy nhiên, những gói bảo hiểm này không bao gồm các hư hỏng về mặt thẩm mỹ, chẳng hạn như trầy xước nhỏ hay tình trạng xuống cấp của pin do sử dụng thường xuyên.

Các gói bảo hiểm không bao gồm bảo vệ trầy xước.

Mặc dù bảo hiểm thiệt hại do tai nạn có thể giúp người dùng trong trường hợp màn hình bị vỡ sau khi rơi nhưng nó sẽ không có giá trị nếu màn hình bị trầy xước do chìa khóa hay các vật dụng khác. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ thiết bị khỏi tình trạng hao mòn hàng ngày là luôn sử dụng ốp lưng.

Bảo vệ điện thoại vô tình tiếp xúc nước

Mặc dù các nhà sản xuất đã nỗ lực tạo ra những chiếc smartphone chống nước nhưng hiện tại, hầu hết các mẫu smartphone cao cấp chỉ đạt tiêu chuẩn IP68. Điều này có nghĩa chúng có thể chịu được việc ngâm trong nước ngọt ở độ sâu 1,5 mét trong tối đa 30 phút. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc điện thoại hoàn toàn chống thấm nước.

Khả năng chống nước của iPhone chỉ áp dụng trong các trường hợp cụ thể.

Khả năng chống nước chỉ áp dụng trong những tình huống cụ thể, và việc đổ tràn bất ngờ hoặc tiếp xúc với các chất lỏng như cà phê hay soda vẫn có thể gây hư hỏng cho thiết bị. Mặc dù có những loại vỏ chống nước được thiết kế cho các hoạt động dưới nước nhưng chúng thường không phù hợp cho việc sử dụng hàng ngày.

Các loại vỏ silicon hoặc vỏ cứng thông thường không thể bảo vệ điện thoại khỏi việc ngâm nước nhưng chúng cung cấp một lớp bảo vệ chắc chắn trước các tia nước bắn, tràn và thậm chí là mưa nhẹ. Những chiếc ốp lưng này giúp ngăn nước tiếp cận các lỗ mở của thiết bị, như khe cắm sạc hoặc thẻ SIM, từ đó giảm thiểu nguy cơ hư hỏng.

Ảnh hưởng đến giá trị bán lại

Dù có thường xuyên nâng cấp hay muốn giữ lại smartphone lâu hơn, khi đến lúc cần bán điện thoại cũ, mọi người thường có hai lựa chọn: bán hoặc đổi để tiết kiệm tiền mua điện thoại mới. Mặc dù có thể người dùng không quá quan tâm đến những vết xước hay trầy xước nhẹ trên màn hình, chúng có thể làm giảm giá trị bán lại của thiết bị. Người mua thường mong muốn sản phẩm ở tình trạng gần như mới, và bất kỳ hư hỏng nào, dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị này.

Giá trị bán lại của iPhone bị ảnh hưởng bởi mức độ hư hỏng.

Chẳng hạn, khi sử dụng các dịch vụ thu cũ đổi mới, người dùng sẽ thấy câu hỏi về tình trạng của máy. Dựa vào các lựa chọn này mà giá trị trao đổi sẽ khác nhau. Thậm chí từng có người dùng tại Việt Nam chọn nhầm lựa chọn dịch vụ tái chế từ Apple, dẫn đến giá trị đổi trả của sản phẩm là 0 đồng.

Mặc dù các cửa hàng có thể chấp nhận thiết bị trầy xước lớn nhưng rõ ràng hư hỏng về mặt thẩm mỹ có thể ảnh hưởng đến giá trị đổi trả. Trong một số trường hợp, điều này thậm chí có thể khiến điện thoại không đủ điều kiện để tham gia các chương trình mua lại, làm giảm lựa chọn của người dùng khi muốn đổi thiết bị.

Ốp lưng có độ bám tốt hơn

Một trong những lý do hàng đầu để sử dụng ốp lưng là nó giúp tăng độ bám. Với những smartphone hiện đại, độ bám tốt hơn giúp giảm thiểu khả năng trượt khỏi tay, mang lại cảm giác an toàn hơn khi sử dụng hàng ngày. Điều này đặc biệt hữu ích khi người dùng nhắn tin trong khi đi bộ hoặc chụp ảnh tự sướng bằng một tay.

Ốp lưng giúp nâng cao độ bám của iPhone.

Mặc dù các công ty đang nỗ lực cải thiện độ bền của thiết bị, nhưng một cú rơi từ góc độ không thuận lợi hoặc một va chạm nhỏ vẫn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, đơn giản là phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh!

THIÊN AN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN