Đi ngược thị trường, nữ tỷ phú Hà Nội có thêm gần 500 tỷ đồng trong một ngày

Trái ngược với đà giảm sâu của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của nữ đại gia người Hà Nội này vẫn ghi nhận tăng thêm gần 500 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 18/10 tiếp tục diễn biến tiêu cực khi chỉ số VN-Index có lúc mất gần 40 điểm, rơi thẳng đứng chỉ sau vài phút. Dù vậy, lực cầu bắt đáy vào mạnh cuối phiên với một số mã trụ được kéo trở lại giúp đà giảm thu hẹp.

Kết phiên, VN-Index ghi nhận mức giảm 18,25 điểm để đóng cửa ở mức 1.103,40 điểm. Đây là phiên giảm mạnh thứ 3 liên tiếp của chỉ số chính thị trường chứng khoán Việt Nam, và chỉ số VN-Index rơi xuống mức thấp nhất hơn 4 tháng qua. Chỉ số HNX-Index ghi nhận mức giảm 2,92 điểm để đóng cửa ở mức 227,11 điểm, chỉ số UpCom-Index giảm 0,71 điểm để đóng cửa ở mức 85,95 điểm.

Cùng với đà giảm của các chỉ số chứng khoán, thanh khoản toàn thị trường đạt gần 25.400 tỷ đồng, với sàn HoSE chiếm hơn 21.800 tỷ, tăng gần 9.000 tỷ đồng so với phiên 17/10. Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam và đà bán tháo của một bộ phận nhà đầu tư, mã cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet trở thành mã cổ phiếu tích cực nhất trong nhóm vốn hóa lớn khi chốt phiên tăng 2.000đ/cổ phiếu tương đương gần 2%, để đóng cửa ở mức giá 104.900đ/cổ phiếu, với gần 1,3 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.

Dù thị trường chứng khoán ghi nhận biến động mạnh trong thời gian gần đây tuy nhiên VJC là mã cổ phiếu có mức tăng ấn tượng trong nhóm vốn hóa lớn. Theo đó, trong 9 phiên giao dịch gần nhất (từ 6-18/10), VJC có tới 8 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm. Trong thời gian này, mã cổ phiếu này ghi nhận mức tăng 9.400đ/cổ phiếu tương đương ghi nhận mức tăng gần 10% so với giá chốt phiên giao dịch ngày 5/10.

Khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng mạnh cùng đà tăng của cổ phiếu nắm giữ

Cùng với đà tăng của cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Hội đồng quản trị VJC vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Theo đó, Vietjet sẽ phát hành hơn 108,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022. Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của công ty sẽ tăng từ 541,6 triệu lên 649,9 triệu cổ phiếu. Thời gian dự kiến phát hành từ quý IV/2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Đà tăng mạnh của VJC trong quãng thời gian chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm mạnh không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này cũng giúp khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng mạnh.

Thống kê ghi nhận với đà tăng của cổ phiếu VJC trong phiên giao dịch ngày 18/10, khối tài sản trên sàn chứng khoán của người phụ nữ giàu nhất Việt Nam ghi nhận mức tăng thêm gần 470 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, nữ tiến sĩ 53 tuổi người Hà Nội đang nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 36.195 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo cập nhật của Forbes, khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận tăng thêm khoảng 35 triệu USD, tương đương mức tăng thêm hơn 832 tỷ đồng. Kết phiên giao dịch ngày 18/10, bà Thảo nắm giữ khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1.348 trong bảng danh sách những tỷ phú USD thế giới.

Sau những phiên giảm mạnh liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 19/10 chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcap cho rằng VN-Index sẽ có những nỗ lực tạo cân bằng sau 3 phiên giảm điểm trước khi hồi phục để kiểm định lại đường MA200 vừa bị vi phạm tại khu vực 1.114 điểm. Nếu lực mua đủ mạnh giúp chỉ số đóng cửa trên ngưỡng này, tín hiệu Tiêu cực trung hạn tạm thời sẽ được cải thiện, giúp VN-Index có thể tiếp tục tăng lên kháng cự MA10 quanh 1.135 điểm. Ngược lại, nếu lực mua không mạnh và VN-Index không thể vượt lên trên đường MA200 sau một vài nhịp kiểm định, chỉ số sẽ tiếp tục giảm và có thể xác nhận xu hướng đi xuống.

Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng khả năng thị trường sẽ thêm lần nữa kiểm tra vùng MA(200) của VN-Index, tương ứng vùng 1.111 điểm. Hiện tại, vùng này có thể vẫn còn khả năng hỗ trợ và giúp kiềm hãm đà giảm của thị trường. Quá trình thăm dò cung cầu sẽ tiếp diễn trên vùng MA(200) này trong thời gian gần tới. Nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá lại trạng thái của thịtrường. Tạm thời vẫn cần cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro.

Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo thị trường sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên 19/10, tuy nhiên lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện khi VN-Index ở vùng hỗ trợ 1.080-1.100 điểm. Mặc dù sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy cuối phiên 18/10 có thể là một tín hiệu tích cực về tâm lý thị trường, nhà đầu tư vẫn nên duy trì quan điểm thận trọng, ưu tiên quản trị rủi ro và đứng ngoài thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN