Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2023. Kết phiên, chỉ số VN-Index đóng cửa ở 1.028 điểm, thấp hơn 14 điểm so với tham chiếu. Đây là vùng giá thấp nhất kể từ ngày 20/3, như vậy, thị trường đã quay lại vùng tích lũy thời điểm đầu năm. Toàn sàn HoSE có 448 mã giảm giá, trong đó có 41 mã giảm hết biên độ. Ở chiều ngược lại, chỉ có 66 mã tăng.
Chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mức giảm 5,17 điểm để đóng cửa ở mức 206,17 điểm, chỉ số Upcom-Index giảm 1,35 điểm để đóng cửa ở mức 80,93 điểm.
Trái ngược với đà giảm mạnh của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2023, mã cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ghi nhận mức tăng 1.000đ/cổ phiếu, tương đương mức tăng 1,02% để đóng cửa ở mức giá 99.000đ/cổ phiếu.
Với đà phục hồi của cổ phiếu VJC trong phiên giao dịch ngày 31/10, khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận mức tăng thêm 235 tỷ đồng nhờ đà tăng của cổ phiếu đang nắm giữ. Tính theo giá thị trường, nữ tiến sĩ 53 tuổi người Hà Nội đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu khối tài sản trên sàn chứng khoán có giá trị 34.660 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đang là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.
Hàng loạt mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2023 - Ảnh chụp màn hình
Cổ phiếu VJC ghi nhận đà phục hồi trong phiên giao dịch ngày 31/10 sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3 và 9 tháng đầu năm. Cụ thể, kết thúc quý 3/2023, doanh thu thuần của VJC tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 14.234,7 tỷ đồng. Giá vống hàng bán của VJC ở mức 12.994 tỷ đồng. Khấu trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của VJC đạt 1.240,7 tỷ đồng, tăng đến hơn hơn 2,4 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng được cải thiện khi tăng từ mức 207,9 tỷ đồng quý 3/2022 lên 309,8 tỷ đồng trong quý 3/2023 chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện tăng trong kỳ.
Chi phí tài chính có chiều hướng tăng lên mức 548,4 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 485 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao khi doanh thu tăng mạnh trở lại, lên mức 618,9 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.
Kết quả, VietJet thu về lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 198,5 tỷ đồng và 55,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 349% và 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, con số lãi ròng của VJC đạt 192 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VJC ghi nhận đạt 76.538,5 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 33.866,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với đầu năm và chiếm 44,2% tổng tài sản, còn lại là tài sản dài hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn của VJC tăng nhẹ lên 29.945,5 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn tăng đến 6.576 tỷ đồng lên 27.814,2 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của VJC tăng 15,4% lên 61.324,8 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu với 15.213,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm nhẹ xuống 29.553,4 tỷ đồng so với đầu năm và nợ dài hạn tăng 39,6% lên 31.771,3 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ đòn bẩy của VJC đạt hơn 4 lần.
Sau hai phiên giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng giao dịch phiên 1/11, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index sẽ tiếp tục kiểm định hỗ trợ quan trọng quanh 1.025 điểm. Với việc một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã có giao dịch tương đối ổn định những phiên gần đây, chúng tôi hi vọng nhóm này sẽ dẫn dắt VN-Index tìm điểm cân bằng tại hỗ trợ này. Khi đó, nhiều khả năng chỉ số đại diện sàn HOSE sẽ hình thành một nhịp hồi phục với kháng cự gần nhất là vùng 1.050-1.055 điểm (MA5) và cao hơn là 1.070-1.075 điểm (MA10). Kịch bản tiêu cực sẽ diễn ra nếu VN-Index bị bán mạnh xuống phía dưới vùng 1.020-1.025 điểm.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định thị trường vẫn tiếp tục xu hướng tiêu cực khi VN-Index giảm điểm đi kèm thanh khoản tăng. Một vài tín hiệu tích cực đã xuất hiện khi VN-Index quay về vùng hỗ trợ mạnh 1.020-1.030 điểm, tuy nhiên rủi ro ngắn hạn vẫn còn lớn.
Do đó, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư duy trì quan điểm thận trọng, tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường, hạn chế bắt đáy và chờ đợi tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn của VN-Index.
Tương tự chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo trong ngắn hạn, đà giảm của thị trường có thể vẫn còn tiếp diễn và ngưỡng hỗ trợ gần của VN-Index là khu vực 1.015 điểm, xa hơn là quanh 1.000 điểm. Hiện tại thị trường đang trong trạng thái quá bán và có thể có các nhịp hồi phục kỹ thuật trong giai đoạn tới tuy nhiên rủi ro ngắn hạn là khá cao và các nhịp hồi kỹ thuật thường kết thúc bất ngờ khó dự báo.