Từ đầm lầy lau sậy đến khu thương mại lớn nhất cả nước
Là chợ đầu mối nông sản thực phẩm có quy mô lớn nhất cả nước, Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Bình Điền (Chợ Bình Điền) được hình thành từ một vùng đầm lầy lau sậy 20 năm trước. Đây là dự án trọng điểm mà Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) được UBND TPHCM giao với trọng trách hình thành khu chợ đầu mối phía Nam thành phố nhằm tập trung nguồn nông, thủy sản từ các tỉnh miền Nam, giảm áp lực cho các chợ đầu mối trong nội đô.
Chợ Bình Điền cung cấp 70% sản lượng thủy hải sản cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận. Ảnh: SATRA
Chợ Bình Điền được xây dựng ở vị trí chiến lược, gần các tuyến đường bộ, đường thủy, thuận tiện lưu thông hàng hóa. Chợ kinh doanh đa ngành hàng, gồm 7 nhà lồng chuyên doanh cùng hệ thống kho bãi và các dịch vụ phụ trợ trên diện tích hơn 35ha, là nơi giao thương hàng hóa từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc.
“Thành phố” thu nhỏ về đêm, cung cấp thực phẩm chất lượng cho người tiêu dùng
Khi màn đêm buông xuống, chợ Bình Điền như một thành phố thu nhỏ, rực sáng và sầm uất. Các phương tiện vận tải ra vào liên tục; các hoạt động kiểm soát chất lượng hàng hóa; sơ chế, phân loại; bốc xếp, giao dịch và phân phối hàng… diễn ra không ngừng nghỉ.
Người, xe, hàng hóa liên tục di chuyển, tiếng cười nói của người bán hàng tràn ngập không gian. “Đêm không ngủ ở Chợ đầu mối Bình Điền” đã trở thành nếp sống với người dân nơi đây, được gọi bằng cái tên tha thiết: Đêm bừng sáng. Ảnh: SATRA
Hiện nay, sản lượng giao dịch tại chợ đạt khoảng 2.500 tấn/đêm với giá trị giao dịch 150 tỷ/đêm. Số lượng thương nhân hơn 1.500 người, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động. Số lượng khách hàng, đối tác, lao động cao điểm lên tới 30.000 người/đêm.
Thủy hải sản – ngành hàng chủ đạo của Chợ Bình Điền – chiếm 70% thị phần thủy hải sản của TPHCM. Nơi đây còn cung cấp nhiều loại hải sản cao cấp tươi sống như tôm hùm, cua hoàng đế, cá tầm Beluga, cá bống mú nghệ, ốc vòi voi… Có những sản phẩm nếu không mua ở Chợ Bình Điền thì khó tìm mua được ở nơi khác.
Khu vực chuyên doanh thịt heo ở nhà lồng H đã được tài trợ 2 triệu đô la Mỹ và nâng cấp theo Dự án Lifsap của Ngân hàng Thế giới. Khu vực này được cải tạo thành khu khép kín với máy lạnh, quầy sạp, dụng cụ mới. Hệ thống sàn, trần, điện – nước – ánh sáng được chỉnh trang. Khu kinh doanh phụ phẩm được dời ra ngoài để tránh lây nhiễm chéo. Dự án này giúp cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.
Đột phá với hoạt động tự doanh và công nghệ thông tin
Chợ Bình Điền “chuyển mình” khi trở thành nhà cung cấp hàng hóa uy tín cho nhiều đối tác, triển khai hoạt động tự doanh trên một số mặt hàng trái cây và rau củ quả, với khách hàng là các khách sạn cao cấp, các trường học, công ty liên doanh…
Hoạt động tự doanh giúp chợ có thể cung ứng được số lượng hàng lớn, đáp ứng nhu cầu sơ chế theo yêu cầu của khách. Chợ cũng đặt ra các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cho các bên cung cấp nguồn hàng thô, nâng cao ý thức về sản phẩm.
Điển hình như việc nhập khẩu táo Nhật Aomori – loại táo được trồng ở vùng Aomori gần Hokkaido nổi tiếng với chất lượng cao. Ban lãnh đạo chợ đã đến tận nơi để ký hợp đồng thu mua cả vườn táo, yêu cầu bọc từng trái, khi thu hoạch phải được đưa ngay vào trong thùng lạnh đã hút không khí, chuyển về Việt Nam. Loại táo này có giá bán khá cao và được xem là quà tặng đặc biệt dịp tết, mang dấu ấn thương hiệu riêng của SATRA – Chợ Bình Điền.
Táo Aomori – quà tặng mang dấu ấn riêng của SATRA – Chợ Bình Điền trong những dịp lễ Tết
Không chỉ tập trung kinh doanh, Chợ Bình Điền còn quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Chợ đã phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh tại chợ, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các thương nhân.
Chợ Bình Điền còn khẳng định mình khi trở thành đơn vị tiên phong trong áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí. Chợ tập trung đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp các ứng dụng đang sử dụng như: hệ thống phần mềm thu phí, kiểm soát lượt ra vào bằng thẻ từ tại các nhà vệ sinh công cộng, hệ thống giữ xe thông minh, hệ thống kiểm soát phí nhập chợ, hệ thống camera khắp các nhà lồng và sân bãi giám sát an ninh toàn chợ,…
Mục tiêu trở thành chợ hiện đại nhất khu vực và điểm du lịch hấp dẫn
Thời gian tới, SATRA sẽ tiến hành cải tạo Khu Thương mại Bình Điền giai đoạn 1 theo hướng hiện đại, đồng thời nâng cao giá trị chất lượng thực phẩm cho các ngành hàng.
Đối với Khu Thương mại Bình Điền giai đoạn 2, SATRA sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành để thực hiện các thủ tục liên quan về giao, thuê đất nhằm xây dựng một khu thương mại hiện đại của thành phố và khu vực, có đầy đủ chức năng thương mại, dịch vụ, logistics.
Đoàn SATRA tham quan và tìm hiểu mô hình tổ chức hoạt động đấu giá cá ngừ và các loại mặt hàng nông, thủ sản tại Toyoshi Market. Ảnh: CBD
Chợ Bình Điền còn hướng đến mục tiêu trở thành một trong những chợ hiện đại nhất khu vực, là một trong những điểm du lịch của người dân thành phố và du khách quốc tế. “Chúng tôi đang nghiên cứu những ngành dịch vụ, sản phẩm để phục vụ khách du lịch. Xây dựng nhà hàng để phục vụ chế biến tại chỗ hoặc mua mang về, cửa hàng bán hàng lưu niệm, cửa hàng chuyên bán hàng đặc sản của Bình Điền – đó là những kế hoạch mà chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian sớm nhất” – ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Chợ Bình Điền chia sẻ.
Tôm khô và khô mực đóng gói hút chân không là một trong những đặc sản do Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền kinh doanh và phân phối. Ảnh: SATRA
Để hiện thực hóa những kế hoạch trên, SATRA và Chợ Bình Điền đã tổ chức những chuyến đi thăm quan chợ của các nước tiên tiến, gần đây là chợ Toyoshi (Nhật Bản) – một trong những chợ được đánh giá là lớn nhất thế giới.
Hai mươi năm xây dựng và phát triển Chợ Bình Điền là một bản hòa ca với đầy nốt thăng và giáng, vẫn còn đó nhiều khó khăn nhưng cũng đầy tự hào. Chợ Bình Điền đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của SATRA nói riêng, của ngành thương mại nông sản thực phẩm TPHCM nói chung.