Đằng sau những vụ ám sát các đối thủ của Israel

Trong hàng thập kỷ, Israel đã gửi thông điệp cứng rắn tới các đối thủ. "Tấn công chúng tôi và bạn sẽ chết" - đó là điều được cho là đang diễn ra với hàng loạt quan chức cấp cao Hamas và chỉ huy lực lượng Hezbollah, theo tờ Times of Israel.

Giáo chủ Iran Ali Khamenei cầu nguyện bên quan tài thủ lĩnh Hamas ở Tehran hôm 1/8. Ảnh: Anadolu Agency. 

Lần đầu tiên Israel được cho là thực hiện một vụ ám sát là vào những năm 1950, khi tướng Ai Cập Mustafa Hafez bị sát hại bằng một quả bom giấu trong cuốn sách.

Kể từ đó, các vụ ám sát bí mật được Israel thực hiện theo nhiều cách khác nhau, từ cài bom trong điện thoại, đánh bom xe, tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) mang thuốc nổ cho đến thuốc độc giấu trong kem đánh răng. Nhiều cơ quan tình báo và quân sự Israel tham gia vào các vụ ám sát, nhưng nổi tiếng nhất là các vụ ám sát do đặc vụ Mossad thực hiện.

Năm 1972, Israel tung đặc vụ Mossad đi khắp châu Âu để ám sát các lãnh đạo chính trị Palestine sau vụ 11 vận động viên Olympic Isreal bị sát hại ở Đức.

Theo một thống kê vào năm 2018, Israel được cho là đã thực hiện hơn 2.700 vụ ám sát kể từ khi lập quốc. Mức độ thực hiện các vụ ám sát của Israel có thời gian giảm xuống, nhưng tăng trở lại sau khi Hamas phát động tấn công vào ngày 7/10/2023.

10 ngày sau cuộc tấn công của Hamas, ông Mark Regev, người khi đó là phát ngôn viên chính phủ, đã nêu rõ: "Quan điểm của chúng tôi là bất kỳ ai trong bộ máy lãnh đạo của Hamas, những người chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 7/10 cũng sẽ phải trả giá", ông Regev nói. "Chúng tôi sẽ tìm tới họ. Công lý sẽ được thực thi".

Rạng sáng ngày 31/7, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại nhà khách chính phủ Iran ở thủ đô Tehran. Tờ New York Times hôm 1/8 dẫn nguồn tin cho biết, ông Haniyeh thiệt mạng do bom cài trong căn phòng. Israel không nhận trách nhiệm vụ ám sát, nhưng cũng không phủ nhận thông tin.

Tháng trước, Israel đã giáng đòn không kích sát hại thủ lĩnh quân sự của Hamas là Mohammed Deif. Hezbollah xác nhận chỉ huy quân sự Fuad Shukr cũng thiệt mạng trong một cuộc ném bom của Israel ở Beirut vào ngày 30/7.

Iran đã tổ chức tang lễ cấp cao nhất cho thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Ảnh: Getty Images.

Matthew Levitt, chuyên gia tại Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông Washington, nói đôi khi các vụ ám sát của Israel mang lại hiệu quả thiết thực, đôi khi các vụ ám sát chỉ nhằm chứng minh rằng Israel làm được điều đó. "Một số vụ ám sát của Israel hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả", ông Levitt nói.

Ông Levitt nêu ví dụ về vụ sát hại chỉ huy Hezbollah Fuad Shukr. Shukr được cho là đứng sau vụ tấn công bằng rocket tại thị trấn Majdal Shams ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến 12 thanh thiếu niên thiệt mạng.

"Vụ sát hại đó hiệu quả vì khiến bộ máy quân sự của Hezbollah bị ảnh hưởng, qua đó làm cản trở các cuộc tấn công của Hezbollah trong tương lai", ông Levitt nói.

Nhưng vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh thì hoàn toàn ngược lại. "Israel chỉ đơn giản chứng minh rằng họ đang loại bỏ những người liên quan vụ tấn công ngày 7/10/2023", ông Levitt cho biết.

Israel đã ám sát các lãnh đạo Hamas trong hàng thập kỷ, nhưng điều đó không ngăn Hamas thực hiện vụ tấn công ngày 7/10. Thậm chí có những vụ ám sát còn khiến Hamas củng cố sức mạnh, ví dụ như vụ ám sát lãnh đạo tinh thần của Hamas, ông Sheikh Yassin vào năm 2004. Ông Yassin được coi là rào cản ngăn Hamas liên kết với Iran.

Michael Makovsky, CEO Viện Do Thái về An ninh Quốc gia ở Mỹ, nhận định "Israel nói lời giữ lời" khi sát hại hai thủ lĩnh Hamas là ông Haniyeh và Deif.

"Israel từng tuyên bố sẽ sát hại các thủ lĩnh Hamas và đúng là họ đã làm như vậy", ông Makovsky nói.

Nhưng theo ông Levitt, trong tương lai, các vụ sát hại này sẽ không làm suy yếu Hamas, suy yếu ý chí chống lại Israel của tổ chức này.

Trong quá khứ, Mỹ từng nhiều lần chỉ trích các vụ ám sát do Israel thực hiện. "Những hành động nặng tay này không đóng góp gì vào hòa bình", Air Fleischer, phát ngôn viên Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nói vào năm 2002.

Harel Chorev, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Moshe Dayan thuộc Đại học Tel Aviv ở Israel, so sánh việc Israel thực hiện hàng loạt vụ ám sát giống như cách thức chiến đấu của các xạ thủ.

Các xạ thủ tiêu diệt mục tiêu đối phương đơn giản là vì họ được đào tạo để làm như vậy. Đôi khi họ không quá quan tâm vào kết quả đằng sau.

"Không ai hỏi rằng vì sao xạ thủ lại bắn hạ người này, người kia trên chiến trường", ông Chorev so sánh. "Đơn giản là vì đó là mục tiêu rơi vào tầm ngắm".

David Halperin, Tổng giám đốc điều hành của Diễn đàn Chính sách Israel, một nhóm ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine, nói những vụ ám sát phần nào giúp chính phủ Israel lấy lại niềm tin với người dân.

"Đây là động lực tinh thần to lớn đối với người Israel và tái khẳng định niềm tin vào năng lực tình báo quân sự của Israel", ông Halperin nói.

Shira Efron, chuyên gia tại Diễn đàn Chính sách Israel ở Mỹ, nói thông qua các vụ ám sát, Israel gửi đi thông điệp răn đe. Nhưng các thông điệp đó chỉ có hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định.

"Israel đã gửi thông điệp rằng năng lực tình báo và quân sự của nước này vẫn rất mạnh mẽ và có thể ám sát bất cứ đối thủ nào", bà Efron nói. "Nhưng về lâu dài, Hamas sẽ lại có các chỉ huy và thủ lĩnh mới".

Nhật Minh - Times of Israel

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN