Xe tăng phát nổ trong xung đột ở Ukraine.
Báo Anh Daily Mail hôm 22/3 đã có bài đánh giá sâu hơn về loại đạn xe tăng có lõi chứa thành phần là uranium nghèo này.
Uranium nghèo là một sản phẩm phụ được tạo ra trong quá trình làm giàu uranium.
Uranium làm giàu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân hoặc nhiên liệu trong lò phản ứng hạt nhân. Uranium nghèo là vật chất còn sót lại trong quá trình này.
Mức độ phóng xạ của uranium nghèo chỉ bằng một phần nhỏ so với uranium ở dạng tự nhiên. Vật chất này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống hàng ngày, từ sản xuất máy bay cho tới thiết bị chụp X-quang, hay sử dụng trên tàu thuyền vận chuyển vật chất phóng xạ.
Mỹ, Anh và Nga là các quốc gia đã tích trữ một lượng lớn uranium nghèo. Nhưng Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng loại vật chất này để sản xuất đạn xe tăng.
Uranium nghèo có độ cứng vượt trội, được sử dụng trong lõi của đạn xe tăng.
Báo Anh lưu ý rằng, uranium nghèo có đặc tính phóng xạ thấp nhưng vẫn có thể gây ra nhiễm xạ nếu xâm nhập vào cơ thể người. Uranium nghèo có thể xâm nhập vào cơ thể dưới dạng mảnh đạn hoặc dạng bụi, khi một người vô tình hít phải.
Phần lõi của đạn xe tăng chứa uranium nghèo cứng hơn nhiều so với các dạng vật chất khác, kết hợp với động năng lớn tạo ra khả năng xuyên phá tốt hơn. Ước tính đạn uranium nghèo có độ cứng gấp 2 lần so với đạn chì.
Uranium nghèo đóng vai trò hỗ trợ xuyên thủng lớp giáp xe tăng, còn gây thương vong cho những người ngồi bên trong phụ thuộc vào những mảnh kim loại nóng chảy trong phần lõi của đạn xuyên giáp xe tăng. Uranium nghèo bốc hơi trong quá trình này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bộ Quốc phòng Anh khẳng định đạn xe tăng chứa uranium nghèo là một trong những loại đạn được sử dụng trong quân sự, "không liên quan đên vũ khí hạt nhân".
Uranium nghèo có dạng trơ hoàn toàn. Không có cách nào để tạo ra một phản ứng hạt nhân hoặc một vụ nổ hạt nhân với uranium nghèo, chuyên gia quân sự Anh Hamish de Bretton-Gordon nói.
Xe tăng Ukraine chiến đấu ở thành phố Bakhmut.
Quân đội Mỹ từng ghi nhận những rủi ro mà uranium nghèo có thể tạo ra. "Khi sử dụng trong mục đích quân sự, uranium nghèo an toàn miễn là không xâm nhập vào cơ thể người", cơ quan y tế quân đội Mỹ cho biết. "Nếu xâm nhập vào cơ thể người thông qua mảnh kim loại hoặc dạng bụi, uranium nghèo có thể gây ngộ độc phóng xạ. Nhưng các hệ quả nếu có còn phụ thuộc vào lượng uranium nghèo mà một người không may nhiễm phải".
Hôm 21/3, Tổng thống Nga Putin lên án việc Anh định gửi đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo cho Ukraine, đồng thời cảnh báo Nga sẽ đáp trả tương xứng.
"Nếu chuyện đó xảy ra, Nga sẽ phải đáp trả tương xứng, do phương Tây nhìn chung đã bắt đầu sử dụng vũ khí chứa thành phần hạt nhân", ông Putin nói.