Bên trong một nhà máy ở Khu tự trị dân tộc Choang thuộc tỉnh Quảng Tây, phía nam Trung Quốc, các công nhân đang chạy đua với thời gian để đóng gói những chiếc bánh nhân sầu riêng. Nhà máy thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thực phẩm Quảng Tây Xuân Mã, một công ty chuyên sản xuất đồ ăn nhẹ đóng gói. Những năm gần đây, bánh ngọt làm từ sầu riêng Đông Nam Á đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất của hãng.
Tang Chunlong, phó tổng giám đốc công ty có trụ sở tại Nam Ninh, cho biết: “Chúng tôi nhận đơn đặt hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, nướng bánh và giao hàng trong ngày, vì vậy bánh có thể giữ được mùi thơm đặc trưng của sầu riêng”.
Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ sầu riêng hàng đầu thế giới. Kể từ năm ngoái, niềm đam mê sầu riêng của người dân Trung Quốc đã tăng vọt sau khi làn sóng sầu riêng từ Việt Nam và Philippines đổ bộ chính thức vào quốc gia này theo Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Khi trái sầu riêng bắt đầu phủ khắp các kệ hàng trên khắp Trung Quốc, các doanh nghiệp như Xuân Mã đang mở rộng phạm vi tiếp cận các thị trường mới bằng cách sản xuất thêm đồ ăn nhẹ và đồ uống mới làm từ sầu riêng.
Các món ăn nhẹ hương vị sầu riêng được rất nhiều người Trung Quốc săn đón
Công ty có trụ sở tại Quảng Tây đã ra mắt bánh hương sầu riêng vào năm 2019, với doanh thu hàng năm tăng vọt từ 800.000 nhân dân tệ (khoảng 110.000 đô la Mỹ) lên hơn 10 triệu nhân dân tệ kể từ đó. Công ty hiện tiêu thụ bột sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan trị giá khoảng 1 triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Tang cho biết: “Người dân phát cuồng sầu riêng tới mức đã thích lan sang cả bánh ngọt và đồ uống có hương vị sầu riêng, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về trái sầu riêng nhập khẩu từ các nước ASEAN”.
Các doanh nghiệp khác cũng đang tận dụng xu hướng kết hợp ẩm thực bằng cách thêm sầu riêng vào các món ăn sẵn có.
Jariya Unthong, chủ một quán trà sữa ở Nam Ninh, cho biết: “Trà sữa sầu riêng là sản phẩm bán chạy nhất của chúng tôi. Thông thường, khách hàng sẽ phải xếp hàng hơn nửa giờ để mua được một ly.”
Ở nhiều quán ăn, thậm chí còn có thể tìm thấy những món nấu chung với sầu riêng táo bạo hơn nữa. Một số nhà hàng cao cấp ở Quảng Tây đã tung ra thị trường món "Lẩu sầu riêng và súp gà" nhanh chóng thành công vang dội.
Pang Jie, chủ một quán lẩu cho biết: “Kể từ khi ra mắt vào đầu năm nay, món Lẩu sầu riêng gà của chúng tôi luôn nằm trong top 3 món ăn được yêu thích nhất. Nhiều khách hàng đến đây vì tò mò, nhưng cuối cùng họ đã trở thành fan trung thành của món ăn này”.
Món lẩu sầu riêng - một sự kết hợp đầy táo bạo
Số liệu chính thức cho thấy, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,43 triệu tấn sầu riêng tươi, trong đó 929.000 tấn từ Thái Lan và 493.000 tấn từ Việt Nam. Theo The Economist, năm 2023, Trung Quốc đã nhập số sầu riêng trị giá 6,7 tỷ USD, tăng từ 4 tỷ USD vào năm 2022 và 1,6 tỷ USD vào năm 2019.
Người Trung Quốc ngày càng phát cuồng với sầu riêng
Ngoài việc yêu thích trái cây nhiệt đới, có hai sự thay đổi giúp giải thích nhu cầu về sầu riêng ngày càng tăng ở Trung Quốc. Đầu tiên là sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại quốc gia này. Ngày càng nhiều người Trung Quốc có đủ khả năng mua sầu riêng, loại trái cây có giá không hề rẻ so với mặt bằng chung. Trung bình một trái sầu riêng Thái Lan có giá khoảng 150 nhân dân tệ (~530.000 đồng). Giống sầu riêng Musang King có thể có giá lên tới 500 nhân dân tệ/quả (~1,7 triệu đồng).
Chính giá thành đắt đỏ như vậy khiến sầu riêng trở thành biểu tượng của địa vị ở Trung Quốc, thậm chí sầu riêng Musang King còn được ví như “Hermès của sầu riêng”. Người ta coi đây là loại trái cây thể hiện sự giàu có, thường mua làm quà tặng trong các dịp lễ lớn như đám cưới hoặc sinh nhật.
Sự thay đổi thứ hai là trong những năm gần đây Trung Quốc đã mở cửa thị trường. Cho đến năm 2022, họ chỉ nhập sầu riêng tươi từ Thái Lan. Tuy nhiên kể từ năm ngoái, họ đã chính thức nhập thêm của Việt Nam và Philippines.