Đại gia Nguyễn Trọng Thông bị thổi bay hơn 100 tỷ đồng sau khi bị Thanh tra Chính phủ “xướng tên”

Sau khi bị Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm dự án điện mặt trời ở Bình Thuận, khối tài sản của đại gia Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hà Đô bị thổi bay hơn 100 tỷ đồng.

Sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên điều chỉnh trong ngày 27/12. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,26 điểm để đóng cửa ở mức giá 1.121,99 điểm. Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 19.333 tỷ đồng, tăng mạnh so với phiên liền trước. Chỉ số HNX-Index giảm 0,66 điểm để đóng cửa ở mức giá 230,60 điểm. Trong khi đó, chỉ số Upcom-Index ghi nhận tăng nhẹ 0,21 điểm để đóng cửa ở mức 86,46 điểm.

Trong ngày chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhẹ sau chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp trước đó, mã cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô ghi nhận mức giảm 1.100đ/cổ phiếu, tương đương mức giảm 3,83% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức giá 27.600đ/cổ phiếu.

Mức giảm của HDG khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông bị thổi bay hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG, khối tài sản của doanh nhân 70 tuổi ghi nhận mức giảm hơn 107 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch 27/12, khối tài sản của ông Thông giảm còn 2.686 tỷ đồng.

Khối tài sản của đại gia Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô giảm hơn 100 tỷ đồng cùng đà giảm của cổ phiếu nắm giữ

Cổ phiếu HDG có phiên giảm mạnh sau khi hàng loạt sai phạm trong phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại tỉnh Bình Thuận đã được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra tại thông báo kết luận thanh tra quản lý, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong đó, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) do Chủ tịch Nguyễn Trọng Thông cũng có tên trong danh sách này với dự án Nhà máy ĐMT Hồng Phong 4 tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Theo giới thiệu dự án có công suất 48 MWp, tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Theo kết luận của Thanh tra chính phủ, nhà máy ĐMT Hồng Phong 4 xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

Sau phiên điều chỉnh nhẹ của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 28/12, chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index có thể điều chỉnh giảm từ kháng cự MA200 và đỉnh gần nhất tại 1.123-1.127 điểm. Ngưỡng hỗ trợ hiện tại của chỉ số là đường MA5 và MA20 đang nằm tại 1.112-1.115 điểm. Nếu lực bán giá thấp không mạnh, thể hiện qua sự sụt giảm thanh khoản của thị trường và vùng hỗ trợ giá thấp được giữ vững, VN-Index sẽ có cơ hội tăng trở lại sau đó, thậm chí vượt qua đường MA200. Ngược lại, nếu chỉ số giảm mạnh qua mốc 1.112 điểm, đà hồi phục có thể kết thúc.

Chuyên gia công ty chứng khoán SSI cho biết các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX vẫn trong tín hiệu tích cực nhẹ. Như vậy, chỉ số VN-Index sẽ vận động trong vùng tích lũy 1.118 - 1.120 trước khi tiếp cận lại ngưỡng 1.128 - 1.130.

Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) đánh giá phiên điều chỉnh nhẹ kèm thanh khoản thấp ngày 27/12 là hoàn toàn bình thường và cần thiết để củng cố cho xu hướng tăng của thị trường trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, điểm sáng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn khi khối ngoại mua ròng trở lại. Do đó, Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường và tập trung vào quá trình cơ cấu lại danh mục trong các nhịp rung lắc.

Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định dự kiến thị trường sẽ có diễn biến điều chỉnh trong phiên giao dịch 28/12 để tìm điểm cân bằng sau nhiều phiên tăng điểm. Tuy nhiên, có khả năng thị trường sẽ được hỗ trợ gần vùng 1.115 điểm và hồi phục trở lại để tiếp tục quá trình thăm dò cung cầu quanh đường MA(200).

Nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu, có thể cân nhắc vùng giá hỗ trợ để mua ngắn hạn tại các cổ phiếu đã tạo nền tích lũy và có động thái khởi sắc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, trong ngắn hạn vẫn nên tận dụng những nhịp hồi phục để chốt lời tại vùng giá tốt hoặc cơ cấu lại danh mục.

Nam Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN