Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch ngày 24/5 khi kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 19,1 điểm, về mức 1.261,93 điểm và HNX-Index giảm 5,19 điểm, kết phiên về mức 241,72 điểm. Xét cho cả tuần giao dịch từ 20-24/5, VN-Index giảm 11,18 điểm (-0,88%), HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,07%).
Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu lại có phiên giao dịch tích cực khi tăng gần 3% để đóng cửa ở mức giá 29.250đ/cổ phiếu. ACB cũng là mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30 trong ngày thị trường lao dốc. Không chỉ tăng về giá, thanh khoản của ACB cũng tăng đột biến với hơn 33,8 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
Chủ tịch Trần Hùng Huy sắp nhận được hơn 130 tỷ đồng tiền mặt từ cổ tức
Cổ phiếu ACB tăng mạnh trong bối cảnh nhà băng này vừa thông báo ngày 3/6/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu. Theo đó, cổ đông ACB sẽ được trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% vào ngày 13/6, tương ứng số tiền chi trả là 3.884 tỷ đồng.
Sau đó, ACB còn dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới), tương ứng phát hành 582,6 triệu cổ phiếu. Thời điểm thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu chưa được công bố. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2023.
Với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 133 triệu cổ phiếu ACB, tính theo giá thị trường, Chủ tịch Trần Hùng Huy trực tiếp nắm giữ khối tài sản có giá trị hơn 3.893 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Huy sẽ nhận được hơn 133 tỷ đồng tiền mặt từ đợt chia cổ tức của ACB sắp tới. Cùng với hơn 133 tỷ đồng tiền mặt, thiếu gia 46 tuổi này cũng sẽ nhận được thêm gần 20 triệu cổ phiếu nữa để tăng số cổ phiếu trực tiếp nắm giữ lên gần 153 triệu cổ phiếu.
Sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 27/5 chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap nhận định VN-Index sẽ tiếp tục có nhịp giảm để kiểm định hỗ trợ MA20, MA50 tại vùng 1.248-1.250 điểm. Nếu lực mua tại hỗ trợ mạnh có thể tạo thế cân bằng với lực bán, vốn đã được hấp thụ khá nhiều trong phiên thanh khoản cao ngày thứ Sáu, VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục lại. Ở kịch bản này, chỉ số có thể sẽ kiểm định các kháng cự MA5, MA10 tại 1.265-1.272 điểm và cao hơn sẽ là vùng đỉnh quanh 1.290 điểm.
Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDS) đánh giá diễn biến tranh chấp hiện tại có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và thăm dò cung cầu tại vùng 1.250 – 1.270 điểm, nhưng cần cân nhắc rủi ro suy yếu vẫn còn tiềm ẩn.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái thị trường, tạm thời nên tránh rơi vào trạng thái quá mua. Đồng thời, có thể cân nhắc những đợt hồi phục để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định trong ngắn hạn, sau khi VN-Index vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1,250 điểm để quay trở lại kênh giá 1.250 – 1.300 điểm, chỉ số đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm trong các phiên sắp tới, VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 – 1.287 điểm.
Xu hướng trung hạn của VN-Index trở lại kênh 1.250 – 1.300 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh. Trường hợp tích cực VN-Index có thể tiếp tục quá trình tích lũy trong vùng nói trên. Trong kịch bản kém tích cực hơn chỉ số sẽ có thể hướng tới tích lũy trong kênh giá rộng hơn 1.200 – 1.250 điểm.
Chuyên gia CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định dù rủi ro VN-Index vẫn sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong những phiên tới, xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn tạm thời vẫn đang được bảo lưu và chỉ số có thể có cơ hội hồi phục trở lại tại quanh ngưỡng hỗ trợ gần 1.24x điểm, hoặc xa hơn tại 1.220 (+/-5) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị trải lệnh mua từng phần các vị thế trading khi chỉ số lùi về các vùng hỗ trợ, gần là 1.24x điểm và trong kịch bản điều chỉnh sâu hơn là quanh 1.220 (+-/5) điểm.