Cử nhân 60 tuổi mất gần 100 tỷ đồng trong một ngày

Trong ngày thị trường chứng khoán quay đầu giảm, khối tài sản của cử nhân 60 tuổi này ghi nhận giảm gần 100 tỷ đồng.

Sau phiên tăng mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến rằng co trong phiên giao dịch ngày 10/4. Kết phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm 4,26 điểm để đóng cửa ở mức 1.258,56 điểm. Không chỉ giảm về chỉ số, thanh khoản trên HoSE cũng giảm gần 400 tỷ đồng so với phiên liền trước còn 16.846 tỷ đồng. Đây là phiên thứ hai liên tiếp thanh khoản trên sàn HoSE giảm xuống dưới 20.000 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,58 điểm để đóng cửa ở mức 238,79 điểm. Chỉ số Upcom-Index tăng nhẹ 0,08 điểm để đóng cửa ở mức 90,65 điểm.

Trong phiên thị trường chứng khoán Việt Nam quay đầu giảm, mã cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc ghi nhận mức giảm 700đ/cổ phiếu, tương đương giảm 2,08% để đóng cửa ở mức giá 33.000đ/cổ phiếu.

Chủ tịch Đặng Thành Tâm trực tiếp nắm giữ khối tài sản trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 5.499 tỷ đồng.

Với mức giảm của KBC trong phiên giao dịch ngày 10/4 khiến khối tài sản của Chủ tịch Đặng Thành Tâm ghi nhận mức giảm gần 100 tỷ đồng khi cử nhân 60 tuổi đang trực tiếp nắm giữ gần 139 triệu cổ phiếu KBC. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của ông Tâm tại Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc có giá trị 4.576 tỷ đồng.

Ngoài KBC, cử nhân 60 tuổi cũng đang sở hữu khối tài sản 330 tỷ đồng tại CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC); số cổ phiếu trị giá hơn 427 tỷ đồng tại CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (SGT) và khối tài sản có giá trị hơn 165 tỷ đồng tại CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA). Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 10/4, ông Tâm đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trên sàn chứng khoán có giá trị hơn 5.499 tỷ đồng.

Sau phiên rung lắc của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 11/4, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo thị trường có thể tiếp tục diễn biến thăm dò khi VN30 kiểm định hỗ trợ MA5 tại 1.260 điểm. Nếu lực bán chiếm ưu thế khiến hỗ trợ này bị vi phạm, nhóm vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt VN-Index giảm điểm về phía cuối ngày để kiểm định hỗ trợ quan trọng tại 1.235 điểm, nơi hội tụ của đường MA50 ngày cũng như vùng đáy của tháng 3. Tại đây, lực mua và bán sẽ tiếp tục có sự giằng co trong nỗ lực tìm kiếm điểm cân bằng ngắn hạn.

Chuyên gia công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định rủi ro chỉ số tiếp diễn quán tính điều chỉnh vẫn đang được bỏ ngỏ, trước khi có thể cho phản ứng hồi phục rõ nét hơn quanh vùng hỗ trợ gần tại 1,250 (+/-5) và xa hơn tại 1,220 (+/-10). Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục, ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ trải lệnh mở mua với tỷ trọng nhỏ quanh các ngưỡng hỗ trợ xa.

Chuyên gia công ty chứng khoán Asean nhận định các chỉ báo MA các khung từ 10 và 20 ngày đều đang có tín hiệu dốc xuống cho thấy xu hướng ngắn hạn thị trường sẽ khó có nhịp hồi phục. Đối với động lượng và dòng tiền, RSI và MFI đều đang ở ngưỡng dưới 50 điểm cho thấy lực tăng ngắn hạn đã suy giảm tương đối.

Chuyên gia của công ty chứng khoán SSI nhận định VN-Index giảm lại sau khi vượt qua đường EMA 13 tại 1.268. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX duy trì trung tính yếu cho nhận định xu hướng giảm tiếp diễn hướng về vùng mục tiêu 1.246.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN