Ảnh vệ tinh: Myanmar trước và sau thảm họa động đất

Số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Myanmar tiếp tục tăng. Các bệnh viện quá tải. Nhiều người còn mắc kẹt trong các đống đổ nát khi Myanmar ghi nhận thêm những đợt rung chấn mạnh.

Thi thể nạn nhân được đưa khỏi khu vực đổ nát ở Mandalay (ảnh: Reuters)

Thêm một trận động đất

Hôm 30/3, một trận động đất với cường độ 5,1 độ Richter đã xảy ra gần thành phố Mandalay (Myanmar) trong chuỗi rung chấn mới. Mandalay cũng là khu vực chịu thiệt hại nặng nề do trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra chiều ngày 28/3.

Hiện chưa có thông tin về thiệt hại ở Myanmar sau trận động đất mới.

Hôm 30/3, chính quyền quân sự Myanmar cho biết, số người thiệt mạng do động đất ở nước này lên tới hơn 1.700 người. Khoảng 3.400 người bị thương và nhiều người còn đang mất tích.

Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar – tướng Min Aung Hlaing – cảnh báo thương vong có thể tăng lên và Myanmar đang phải đối mặt với tình hình đầy thách thức.

Hôm 28/3, ông Min Aung Hlaing đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Myanmar.

Theo Reuters, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam đã gửi vật tư và các đội hỗ trợ tới Myanmar.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hôm 30/3 cho biết, nhiều khu vực ở Myanmar bị “tàn phá nghiêm trọng” và nhu cầu nhân đạo tăng lên “từng giờ”.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến ở Myanmar là mức độ tàn phá chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua tại khu vực châu Á”, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) bình luận trên mạng xã hội X.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ tàn phá của trận động đất

Theo Reuters, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng ở Myanmar, bao gồm cầu, đường cao tốc, sân bay và đường sắt đã bị hư hại sau trận động đất hôm 28/3, khiến nỗ lực cứu hộ và viện trợ nhân đạo thêm khó khăn.

Tại một số khu vực gần tâm chấn, như Mandalay, một số người cho rằng chính quyền quân sự thiếu hỗ trợ, khiến họ phải tự lo liệu.

“Cần phải khôi phục các tuyến giao thông càng sớm càng tốt”, Reuters hôm 30/3 dẫn lời ông Min Aung Hlaing.

“Cần phải sửa chữa mạng lưới đường sắt và mở lại sân bay để hoạt động cứu trợ được hiệu quả hơn”, ông Min Aung Hlaing nói thêm.

Chùa và tu viện ở Mandalay trước (trái) và sau (phải) thảm họa (ảnh: Maxar Technologies)

Hội Chữ thập đỏ Myanmar (MRCS) cho biết, họ đã huy động hàng trăm tình nguyện viên để sơ cứu, chăm sóc sức khỏe và phân phát nhu yếu phẩm cho các gia đình gặp nạn.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc đánh giá các nỗ lực cứu trợ ở Myanmar (quốc gia có 55 triệu dân) chưa thực sự hiệu quả do cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nghiêm trọng. Các bệnh viện ở Myanmar cũng trở nên quá tải khi có nhiều người bị thương cần được chăm sóc sau trận động đất.

Hình ảnh vệ tinh do Công ty Maxar Technologies đăng tải hôm 30/3 cho thấy, nhiều công trình lớn như đền, chùa, tu viện, cầu và các khu dân cư ở Myanmar bị hư hại, thậm chí bị san phẳng do động đất.

Một khu dân cư ở Myanmar bị san phẳng do động đất (ảnh: Maxar Technologies)

Cây cầu Inwa sụp đổ, nhiều nhịp cầu chìm xuống sông (ảnh: Maxar Technologies)

Chùa Mahamuni ở Mandalay trước và sau trận động đất (ảnh: Maxar Technologies)

Chùa và sân vận động ở Mandalay trước và sau trận động đất (ảnh: Maxar Technologies)

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính 35% khả năng động đất sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế từ 10 tỷ đến 100 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP của Myanmar.

Han Zin – cư dân ở thị trấn Sagaing (tây bắc Myanmar) – cho biết, thiệt hại về hạ tầng sau trận động đất hôm 28/3 là rất lớn.

“Những gì chúng tôi nhìn thấy là tàn phá trên diện rộng. Nhiều tòa nhà đổ sập”, Han Zin nói với Reuters, cho biết thêm rằng phần lớn thị trấn Sagaing bị mất điện, nước uống cũng dần cạn kiệt.

“Chúng tôi chưa nhận được hàng cứu trợ và cũng không thấy có nhân viên cứu hộ nào ở đây”, Han Zin nói.

Vương Quốc – Reuters, CNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN