Cộng đồng Pi Network lại tràn đầy phấn khích bởi một thông tin mới

Thông tin sự xuất hiện của đồng Pi trong ví điện tử Telegram đã mang lại sự lạc quan cho cộng đồng Pi.

Telegram tích hợp Pi?

Mới đây, cộng đồng tiền điện tử lan truyền thông tin Telegram tích hợp cặp Pi/USDT vào ví Wallet.

Theo bài đăng, người dùng mạng xã hội Telegram đã có thể thấy sự xuất hiện của Pi Coin trong ví Wallet. Cùng với đó người dùng cũng có thể mua, bán hoặc lưu trữ Pi trong ví của Telegram. Tuy nhiên, các chức năng như gửi Pi cho danh bạ Telegram, rút về ví bên ngoài hoặc nhận từ người khác vẫn chưa được hỗ trợ, cho thấy Pi Network vẫn duy trì mô hình Mainnet kín, chỉ cho phép giao dịch nội bộ trong hệ sinh thái.

Pi thủ xôn xao khi thấy Pi coin xuất hiện trong ví điện tử Wallet của Telegram.

Được biết ví Wallet là ví tiền mã hóa được tích hợp trực tiếp ngay trong ứng dụng mạng xã hội Telegram, cho phép người dùng lưu trữ, quản lý và giao dịch tài sản số mà không cần sử dụng các ứng dụng hoặc nền tảng bên thứ ba.

Để tìm Pi Coin, người dùng có thể vào ứng dụng, trên cửa sổ Telegram, gõ tìm kiếm “@ví” và sẽ thấy Pi trong danh sách 45 đồng tiền số đang được giao dịch trong nền tảng này.

Với hơn 900 triệu người dùng – theo thông tin từ CEO của Telegram cho biết hồi đầu năm 2024, ví tiền mã hóa Wallet được kỳ vọng mang lại sự tiện lợi và đơn giản hóa quá trình giao dịch tiền điện tử cho người dùng Telegram, đồng thời mở ra cánh cửa cho việc tiếp cận tiền điện tử dễ dàng hơn đối với hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.

Ở một góc nhìn tích cực đối với Pi Network trong bối cảnh đồng tiền mã hóa này đang đối diện với nhiều biến động về giá, với số lượng người dùng khổng lồ của Telegram, Pi Network có cơ hội tiếp cận một lượng lớn người dùng tiềm năng, giúp tăng cường sự phổ biến và giá trị của đồng Pi.

Anh Q.V. – một nhà đầu tư Pi Network cho rằng đây là chuyện đáng ăn mừng. “Nhưng mọi người cũng cần biết là Telegram rất nhiều đối tượng lừa đảo trong đó. Nếu cái gì không rành thì anh em đừng làm gì vội”, anh V. nói.

Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính thức về sự hợp tác hoặc cho phép từ Pi Core Team (PCT) đối với việc này. Do đó, việc Telegram tích hợp cặp Pi/USDT có thể là một động thái đơn phương từ phía Telegram, chưa chắc đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật hoặc cho phép chính thức từ PCT.

Bất chấp sự lạc quan trong cộng đồng Pi, giá Pi rơi về vùng giá 0,7 USD/đơn vị trong sáng 31/3. Vốn hóa thị trường của loại tiền số này ở mức 5 tỷ USD.

Tính từ giai đoạn cao nhất 3 USDT/đơn vị, đến nay, đồng Pi đã mất hơn 2/3 giá trị. Đối với những người khai thác Pi miễn phí thì mức giá này có thể coi là phần thưởng. Còn đối với những nhà đầu tư mới tham gia thì họ đối diện nguy cơ lỗ đậm.

Rủi ro khi đầu tư tiền ảo

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, mặc dù nhiều người Việt Nam vẫn đang tham gia giao dịch tiền số thông qua các sàn giao dịch quốc tế như Binance, OKX, Huobi, KuCoin… nhưng cần hiểu rằng các sàn này không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng trong nước. Do đó, giao dịch tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo hộ, nếu có tranh chấp sẽ không thể yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp để bảo vệ quyền lợi.

Điều này dẫn đến rất nhiều rủi ro pháp lý và tài chính cho người dùng. Nếu sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 50 - 100 triệu đồng (theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 BLHS 2015 nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, khi có tranh chấp với sàn quốc tế hoặc bị lừa đảo, người dùng khó có cơ sở pháp lý để khiếu nại hoặc kiện tụng do tiền ảo không được công nhận.

Hiện nay, có rất nhiều sàn giao dịch giả mạo hoặc sàn do các nhóm lừa đảo lập ra để chiếm đoạt tài sản của người dùng. Các sàn này thường sử dụng chiến thuật dụ dỗ người mới, hứa hẹn lợi nhuận cao, sau đó đánh sập sàn hoặc chặn tài khoản của người dùng để chiếm đoạt tài sản. Các mô hình lừa đảo Ponzi, đa cấp tài chính lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng để chiếm đoạt tiền. Vì không có sự quản lý của pháp luật Việt Nam, khi bị lừa đảo trên các sàn giao dịch quốc tế, người dùng gần như không có cách nào để đòi lại tiền.

Ngay cả các sàn giao dịch lớn cũng không phải lúc nào cũng an toàn. Trong quá khứ, đã có nhiều vụ sàn giao dịch bị hack, phá sản hoặc chủ sàn bỏ trốn, dẫn đến hàng tỷ USD của người dùng bị mất trắng. Một ví dụ điển hình là vụ sàn FTX sụp đổ vào năm 2022, khiến hàng triệu nhà đầu tư trên thế giới mất tiền.

Nhà đầu tư còn phải đối mặt với rủi ro biến động giá bởi tiền ảo có tính đầu cơ rất cao, giá trị có thể biến động mạnh.

Vân Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN