Công bố kết quả tìm kiếm hài cốt người phát hiện ra châu Mỹ sau 20 năm phân tích DNA

Các nhà khoa học đã giải quyết được bí ẩn kéo dài 500 năm về nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thám hiểm lừng danh người Italia, Christopher Columbus.

Lăng mộ của Christopher Columbus ở Nhà thờ Seville (ảnh: Daily Mail)

Jose Antonio Lorente – chuyên gia pháp y, dẫn đầu nhóm nghiên cứu phân tích DNA trên các bộ xương được tìm thấy ở Nhà thờ Seville (Tây Ban Nha) – cho biết “hoàn toàn chắc chắn” rằng hài cốt của Christopher Columbus đã được tìm thấy.

“Ngày nay, với công nghệ mới, giả thuyết gây tranh cãi trước đây cho rằng thi hài (Christopher Columbus) được chôn cất ở Nhà thờ Seville đã được xác nhận là đúng”, ông Lorente nói hôm 12/10.

Nhóm nghiên cứu do ông Lorente dẫn đầu đã dành 20 năm để nghiên cứu và xét nghiệm DNA trên các bộ xương ở Nhà thờ Seville nhằm tìm kiếm hài cốt của Christopher Columbus – người đầu tiên phát hiện ra châu Mỹ.

Nhóm của ông Lorente đã so sánh mẫu DNA từ lăng mộ của Columbus với DNA trên hài cốt của Diego (em trai Columbus) và Fernando (con trai Columbus). Hai người này cũng được chôn cất ở Nhà thờ Seville.

Theo Daily Mail, nhiều chuyên gia lịch sử từ lâu đã cho rằng hài cốt của Columbus được chôn trong Nhà thờ Seville, nhưng mãi đến năm 2003, nhóm của ông Lorente và nhà sử học Marcial Castro mới được phép khai quật ngôi mộ để xác minh giả thuyết này.

Phát hiện về hài cốt của Columbus được công bố trước dịp Mỹ tổ chức ngày lễ mang tên ông vào ngày 14/10. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm ở Mỹ và một số nước khác tại châu Mỹ nhằm kỷ niệm mốc thời gian 12/10/1492, khi Columbus khám phá ra “tân thế giới” (châu Mỹ).

Christopher Columbus (1451 – 1506) qua đời tại thành phố Valladolid, Tây Ban Nha, nhưng theo di nguyện, ông muốn được chôn cất trên đảo Hispaniola – ngày nay thuộc lãnh thổ 2 nước Haiti và Cộng hòa Dominica.

Christopher Columbus - người tìm ra "tân thế giới" (ảnh: Daily Mail)

Năm 1542, thi hài Columbus được đưa tới đảo Hispaniola và đến năm 1795 được chuyển tới Cuba. Năm 1898, thi hài Columbus được đưa trở về Tây Ban Nha chôn cất.

Columbus dẫn đầu đoàn thám hiểm vào ngày 3/8/1492 từ cảng Palos (Tây Ban Nha) với hy vọng tìm ra tuyến đường mới đến châu Á.

Ngày 12/10/1492, ba con tàu do Columbus dẫn đầu cập bến Bahamas (nay là đảo quốc vùng Caribe) mà ông cho là Nhật Bản. Columbus cũng phát hiện ra Cuba và cho rằng đó là Trung Quốc.

Columbus đã ghi chép lại lộ trình và những khám phá của ông trong chuyến đi đầu tiên.

Trong chuyến thám hiểm lần thứ 2 (năm 1493), Columbus cố ý quay lại “tân thế giới” và cập bến Puerto Rico (nay thuộc chủ quyến của Mỹ). Ông bắt nhiều người Taino bản địa và gửi họ đến Tây Ban Nha.

4 năm tiếp theo, nhiều người từ Tây Ban Nha tìm đường đến châu Mỹ và khám phá thêm các vùng đất mới.

Trong khoảng thời gian đó, khoảng 7 triệu người Taino đã chết vì giao chiến với người châu Âu, bị bắt làm nô lệ và dịch bệnh, theo Daily Mail.

Vương Quốc – Daily Mail

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN