Cổ phiếu VinFast tiếp tục điều chỉnh, giá trị vốn hóa mất mốc 40 tỷ USD

Giá trị vốn hóa hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán Mỹ mất mốc 40 tỷ USD khi cổ phiếu VinFast đã có phiên giảm điểm thứ 8 liên tiếp.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (8/9), thị trường chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trở lại khi thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 tiến 0,14% lên 4.457,49 điểm, đứt mạch 3 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số Dow Jones cộng 75,86 điểm (tương đương 0,22%) lên 34.576,59 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,09% lên 13.761,53 điểm.

Dù vậy, các chỉ số chính cũng khép lại tuần qua với sắc đỏ. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,3% và 1,9%, đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần. Dow Jones mất 0,8% trong tuần qua. Thị tường chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần sụt giảm trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất nhiều hơn so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, trái ngược với đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần, mã cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast tiếp tục bị điều chỉnh giảm. Trong phiên giao dịch ngày 8/9, VFS mở cửa tích cực với mức giá 19,49 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực bán sau đó của các nhà đầu tư khiến cổ phiếu này quay đầu giảm để kết phiên với mức giá 17,15 USD/cổ phiếu, giảm thêm 4,67% so với phiên liền trước. Trong phiên giao dịch cuối tuần có gần 8,57 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.

Giá trị vốn hóa của VinFast đã giảm mạnh sau chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp gần đây

So với giá đỉnh lịch sử 93 USD/cổ phiếu từng thiết lập trong những ngày đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, thị giá của VFS đã giảm rất sâu sau chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp vừa qua. Tuy nhiên, so với mức định giá 10 USD/cổ phiếu khi tiến hành IPO theo phương thức SPAC, thị giá hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đang ghi nhận mức tăng 71,5% so với định giá ban đầu.

Với mức giá đóng cửa 17,15 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa của VinFast cũng mất mốc 40 tỷ USD khi giảm còn 39,83 tỷ USD. Với mức vốn hóa này, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đứng vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng các hãng ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới sau Tesla, Toyota, Porche, BYD, Mercedes-Benz, MMW, Volkswagen, Setllantis, Honda, Ferrari, Ford và General Motors.

Trong phân khúc xe điện, VinFast vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ 2, tuy nhiên khoảng cách với hãng Li Auto đã giảm đáng kể. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, giá trị vốn hóa của hãng xe Trung Quốc là 39,09 tỷ USD, hãng Rivian của aMyx đứng thứ 4 với giá trị vốn hóa 21,90 tỷ USD và NIO cũng của Trung Quốc đứng thứ 5 với giá trị vốn hóa 18,51 tỷ USD.

Theo dữ liệu cập nhật của Forbes tới ngày 8/9, giá trị tài sản định danh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục giảm 121 triệu USD bởi đà giảm của cổ phiếu VIC trong phiên giao dịch ngày 8/9 xuống 5,7 tỷ USD. Ông chủ VinFast được xếp hạng thứ 472 trong danh sách tỷ phú của Forbes cập nhật theo thời gian thực.

Forbes đã thay đổi cách tính tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sau khi tham vấn các chuyên gia và coi VinFast như thể một công ty “chưa niêm yết”. Để định giá VinFast, Forbes đã lấy trung bình giá trị các công ty sản xuất ô tô điện khác gồm từ Lucid đến Nio, Tesla. Dựa trên các bội số đó, Forbes ước tính giá trị số cổ phần của ông Phạm Nhật Vượng tại VinFast vào khoảng 2,3 tỷ USD.

Hiện, Tập đoàn Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng thông qua hai công ty con nắm giữ 99% cổ phần VinFast. Trong đó, Vingroup là cổ đông lớn nhất của VinFast, đang có giá trị khoảng 2,6 tỷ USD.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN