Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (6/9), thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh khi những lo ngại của giới đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chưa kết thúc nâng lãi suất ngày càng tăng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, chỉ số Dow Jones rớt 198,78 điểm (tương đương 0,57%) xuống 34.443,19 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,7% xuống 4.465,48 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 1,06% còn 13.872,47 điểm. Đây là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp với chỉ số Nasdaq Composite, áp lực giảm mạnh do cổ phiếu nhóm công nghệ lao dốc. Trong đó, những cổ phiếu giảm mạnh nhất bao gồm Nvidia và Apple, đều sụt hơn 3%.
Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 6/9, mã cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm thứ 6 liên tiếp sau khi lập đỉnh ở mức 82,35 USD/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, VFS đóng cửa ở mức giá 24,50 USD/cổ phiếu, tương đương mức giảm thêm 6,24% so với phiên giao dịch liền trước. Với mức giá này, VFS đang "test" lại vùng giá chào sàn Nasdaq 22 USD/cổ phiếu hôm 15/8 vừa qua.
Theo cổng thông tin Marklines, trong tháng 8, doanh số hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại thị trường Mỹ đạt 394 xe
Trong phiên giao dịch ngày 6/9, thanh khoản của VFS cũng giảm mạnh so với những ngày đầu tiên chào sàn. Theo đó, ở phiên giao dịch ngày thứ Tư chỉ có hơn 5,6 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
Với mức giá đóng cửa 24,50 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm còn 56,89 tỷ USD. Với giá trị vốn hóa này, VinFast tiếp tục đứng vị trí thứ 8 trong danh sách những hãng xe ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới sau Tesla giá trị vốn hóa 799,59 tỷ USD, Toyota giá trị vốn hóa 242,90 tỷ USD, Porsche giá trị vốn hóa 99,99 tỷ USD, BYD giá trị vốn hóa 97,14 tỷ USD, Mercedes-Benz giá trị vốn hóa 76,37 tỷ USD, BMW giá trị vốn hóa 68,27 tỷ USD và Volkswagen giá trị vốn hóa 63,48 tỷ USD. Trong Top 10 hãng xe ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, VinFast đứng phía trên Ferrari giá trị vốn hóa 56,88 tỷ USD và Stellantis giá trị vốn hóa 18,16 tỷ USD.
Trong phân khúc xe điện, VinFast tiếp tục đứng vị trí thứ 2 sau Tesla và đứng trên Li Auto giá trị vốn hóa 39,75 tỷ USD, Rivian giá trị vốn hóa 22,05 tỷ USD, NIO giá trị vốn hóa 19,55 tỷ USD và XPeng giá trị vốn hóa 16,44 tỷ USD.
Dù cổ phiếu VFS ghi nhận biến động mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, hãng xe điện của Việt Nam tiếp tục gây bất ngờ về doanh số bán xe tại Mỹ sau 8 tháng đầu năm. Cụ thể, theo cổng thông tin Marklines, trong tháng 8, doanh số VinFast đạt 394 xe. Tính từ đầu năm, hãng đã bán được tổng cộng 1.624 xe.
Hiện tại, VinFast đã xuất khẩu tổng cộng 2.097 chiếc VF 8 sang thị trường Mỹ ở hai đợt, lần lượt vào tháng 11/2022 và tháng 4/2023. Trên thực tế, VinFast chỉ bán một dòng sản phẩm tại thị trường Mỹ là SUV VF 8, cùng với đó là việc giao hàng mới bắt đầu từ tháng 3, nên doanh số hãng xe điện đến từ Việt Nam ở thời điểm này là không quá tệ.
Bên cạnh đó, là một thương hiệu trẻ, VinFast cần thêm thời gian để tạo dựng niềm tin với khách hàng Mỹ. VF 8 sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh trong tầm giá 40.000 USD, bao gồm Tesla Model 3, Polestar 2, Volkswagen ID.4, Kia EV6 và Hyundai Ioniq 5.
Sắp tới, khi mẫu SUV cỡ lớn VF 9 chính thức xuất khẩu sang thị trường Mỹ, doanh số hãng xe Việt có thể sẽ tăng nhanh hơn. Bên cạnh đó, chiến lược của startup xe điện sẽ hướng đến tương lai xa, khi mà một nhà máy trị giá 4 tỷ USD đang được xây dựng tại tiểu bang Bắc Carolina (dự kiến hoạt động từ năm 2025) sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất xe điện, đồng thời giúp phương tiện của hãng được nhận ưu đãi thuế từ Chính phủ Mỹ.