Thị trường Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm vào ngày thứ Năm (21/09), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ giữ nguyên lãi suất không đổi nhưng báo hiệu sẽ còn đợt nâng lãi suất khác sắp xảy ra.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, chỉ số chỉ số S&P 500 giảm 72,2 điểm tương đương giảm 1,64% để đóng cửa ở mức 4.330 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 245,14 điểm (giảm 1,82%) còn 13.223,98 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm sâu 370,46 điểm (giảm 1,08%) xuống 34.070,42 điểm.
Cùng với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, mã cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast cũng điều chỉnh giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/9. Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mở cửa với mức giá giao dịch 16,89 USD/cổ phiếu, dù có thời điểm VFS được kéo lên mức gần tham chiếu với giá 17,15 USD/cổ phiếu, tuy nhiên áp lực bán của nhà đầu tư sau đó khiến VFS kết thúc phiên giao dịch với mức giá 15,75 USD/cổ phiếu giảm 8,38% so với kết thúc phiên giao dịch liền trước.
Cùng với mức giảm hơn 8%, trong phiên giao dịch ngày 21/9, thanh khoản của VFS cũng tăng đáng kể với hơn 3,28 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
Giá trị vốn hóa của VinFast vẫn đứng vị trí thứ 3 thế giới trong phân khúc xe điện
Với mức giá 15,75 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 36,46 tỷ USD, với mức giá vốn hóa này VinFast đứng vị trí thứ 15 trong danh sách những hãng xe ô tô có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới. Hiện VinFast vẫn đứng trên các hãng xe giàu truyền thống khác như Huyndai, Tata Motors, Great Wall Motors, SAIC Motor và Kia trong Top 20 hãng xe ô tô có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới.
Ở phân khúc xe điện, hãng xe của người giàu nhất Việt Nam tiếp tục đứng vị trí thứ 3 sau Tesla với giá trị vốn hóa 811,58 tỷ USD và Li Auto với giá trị vốn hóa 38,31 tỷ USD. VinFast đứng trên Rivian với giá trị vốn hóa 20,41 tỷ USD và NIO với giá trị vốn hóa 15,05 tỷ USD trong danh sách 5 hãng xe điện có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Trước khi bước vào phiên giao dịch ngày 21/9, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã công bố kết quả kinh doanh trong quý 2/2023. Đây là báo cáo tài chính đầu tiên của VinFast được công bố sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hôm 15/8 vừa qua.
Theo công bố, doanh thu bán xe quý 2 đạt 7.487 tỷ đồng (314,6 triệu USD), tăng 147,0% so với quý 2 năm 2022 và tăng 387,3% so với quý 1 năm 2023. Tổng doanh thu quý 2 đạt 7.952 tỷ đồng (334,1 triệu USD), tăng 131,2% so với quý 2 năm 2022 và tăng 303,3% so với quý 1 năm 2023. Tổng doanh thu chủ yếu bao gồm doanh thu từ bán xe điện.
Khoản lỗ ròng của hãng xe điện này giảm còn 526,7 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến 30/6, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp là 1.600 tỷ đồng (67,3 triệu USD). Tổng tài sản của hãng xe ở mức 116.828 tỷ đồng (4,9 tỷ USD). VinFast cho biết hãng này có 122 showroom cho ô tô điện trên toàn cầu và 245 showroom và xưởng dịch vụ cho xe máy điện.
Phát biểu với các nhà phân tích trong cuộc trao đổi hôm thứ Năm, Giám đốc điều hành VinFast bà Lê Thị Thu Thủy cho biết: "Trong vài năm tới, chúng tôi sẽ có thể có lãi". Trước đó, người sáng lập VinFast và là người ủng hộ tài chính lớn nhất của hãng xe là tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã kỳ vọng VinFast sẽ hòa vốn khi kết thúc năm tài khóa 2024.
Cũng theo nguồn tin của Reuters, VinFast đã xuất xưởng gần 3.000 chiếc xe mẫu VF8 tới Bắc Mỹ và cam kết sẽ giao mẫu VF9 vào cuối năm nay. Để đẩy nhanh doanh số bán hàng, bà Thủy cho biết VinFast đang đàm phán với một số đại lý ở Mỹ và sẽ sớm công bố chính thức.
Cùng với đó, VinFast cũng đã có kế hoạch giao 3.000 chiếc xe VF8 đầu tiên cho khách hàng châu Âu trong năm nay, vào thời điểm Liên minh châu Âu đang xem xét áp thuế đối với các đối thủ đến từ Trung Quốc.