Cô gái bị mất hoàn toàn thị lực sau khi đi bơi

Cô gái người Anh cảm thấy ngứa và đau nhức mắt nhiều ngày sau khi đi bơi, mặc dù đã khám chữa nhưng mắt cô vẫn bị mất thị lực.

Shereen-Fay Griffin, đến từ Crayford ở Kent (Anh), đi bơi tại một trung tâm giải trí địa phương vào tháng 8 năm ngoái. Nhưng chỉ 2 ngày sau, mắt trái của cô gái này bắt đầu ngứa và đau nhức. Ngay lập tức, cô đã đến bệnh viện và thăm khám, bác sĩ nhãn khoa kê cho cô đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh và steroid. Tuy nhiên, cơn đau trở nên tồi tệ hơn và vào tháng 11 năm 2022, cô thức dậy và cảm thấy mắt hoàn toàn mất thị lực.

Sau nhiều nỗ lực thăm khám tại các bệnh viện khác, các bác sĩ cuối cùng đã chẩn đoán cô Griffin bị viêm giác mạc do acanthamoeba (AK), căn bệnh có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. Cụ thể, vi sinh vật sẽ ăn vào giác mạc gây đau dữ dội và cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng.

AK phổ biến trong đất và nước, bao gồm nước máy, sông, bể bơi và bồn tắm nước nóng. Nó có thể lọt vào mắt bất cứ khi nào sử dụng nước, nhưng nguyên nhân chính là do vệ sinh kính áp tròng kém. Những giọt chứa ký sinh trùng cực nhỏ có thể dễ dàng bị mắc kẹt giữa giác mạc và thủy tinh thể.

Các triệu chứng thường bao gồm đau mắt, đỏ mắt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và rách giác mạc. Những người mắc bệnh thường được điều trị bằng thuốc theo toa, nhưng nếu không được chẩn đoán, nhiễm trùng có thể gây ra mù lòa.

Các bác sĩ cũng có biết thêm, loại thuốc steroid mà cô được kê đơn trước đó đã khiến tình trạng của cô trở nên tồi tệ hơn. Cụ thể, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí “Review of Optometry” vào năm 2021, cho thấy steroid có thể cản trở việc điều trị cho bệnh nhân mắc AK vì nó có thể ức chế phản ứng miễn dịch. 

Shereen-Fay Griffin phải nằm liệt giường trong 3 tuần và phải nghỉ làm suốt 5 tháng. Với tính chất công việc của mình, cô không thể tham gia các hoạt động ngoài trời như bóng đá với học sinh của mình. Cô bị đau âm ỉ, khô, ngứa, đau nhức và vẫn còn hơi nhạy cảm với ánh sáng khi cố gắng mở mắt. Để có thể lấy lại một phần thị lực, Shereen-Fay Griffin cần phải ghép giác mạc.

QUỲNH GIANG (Theo Daily Mail)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN