Tốt nghiệp ngành Công nghệ Hóa học, Đại học Nông Lâm TP HCM, Nguyễn Thị Tường Thảo làm việc trong một phòng thí nghiệm ở Sài Gòn.
Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Đà Lạt, từ nhỏ Nguyễn Thị Tường Thảo (28 tuổi) đã được tiếp xúc với công việc trồng trọt, đồng áng và có niềm đam mê với rau, củ quả. Sau dịch Covid-19, cô nảy ra ý định giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của quê hương Đà Lạt tới người tiêu dùng khi nhận thị trường có nhiều loại rau củ không an toàn.
Chứng kiến người nông dân ở quê nhiều lần phải đổ bỏ nông sản vì “được mùa mất giá”, Thảo nghĩ tại sao mình không tìm cách nâng giá trị rau củ Đà Lạt và lan tỏa nó đến cả nước, biết đâu có thể xuất ra nước ngoài. “Tôi quyết định nghỉ việc về nhà làm rau”, cô gái 28 tuổi nói.
Tốt nghiệp văn bằng hai ngành Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, Thảo xin vào làm nhân viên đóng rau tại Hợp tác xã Vườn Nhà Đà Lạt. Sau vài ngày trải nghiệm, cô nhận thấy mô hình vận hành ở hợp tác xã còn lạc hậu, khó có thể mở rộng thêm trong khi thời đại 4.0, các trang mạng xã hội đang rất phát triển.
Các sản phẩm ở hợp tác xã rất phong phú nhưng ít người biết đến do cơ sở chỉ chú trọng vào việc bán sỉ. Thấy trang web, Fanpage còn sơ sài, cô đã đề xuất bán lẻ trên mạng xã hội, đặc biệt kênh Tiktok. Kênh này đang rất thịnh hành với bất cứ ai và ở mọi lứa tuổi. Do lo ngại các rủi ro chi phí vận chuyển, thanh toán tiền hàng nên hợp tác xã đã không đồng ý việc bán lẻ.
“Tuy nhiên, tôi mong muốn giới thiệu các loại rau củ trong hợp tác xã tới mọi người nên vẫn quyết định chọn Tiktok để quảng bá”, Thảo kể.
Thảo trăn trở với việc đặt tên kênh, làm sao phải truyền tải được nội dung mình muốn. Cô lấy tên Món Lạ Vườn Nhà vừa thể hiện sự độc lạ trong sản phẩm, vừa thân thiện với mọi người. Khi nhắc đến nhà, vườn nhà, khách hàng sẽ có cảm giác an tâm, thân thuộc.
Clip đầu tiên up lên nền tảng Tiktok, Thảo bất ngờ vì được mọi người quan tâm và hỏi mua nhiều. Khi lượt theo dõi tăng dần theo các video sau đó, Thảo báo cáo với lãnh đạo hợp tác xã, ngỏ ý bán lẻ nông sản trên kênh và được đồng ý.
Trong các sản phẩm được Thảo giới thiệu trên Tiktok, ớt trái cây Sweet Palermo, xuất sứ từ châu Âu, thu hút lượng mua lớn. Loại ớt này giòn ngọt, có lượng vitamin, dinh dưỡng cao. Ớt ăn như trái cây, không hăng hay cay. Ngoài ớt, sản phẩm bán chạy khác là bí sợi mì có nguồn gốc Nhật Bản. “Bí sợi mì là món ăn thường nhật tại Nhật. Khi tôi giới thiệu sản phẩm này, không ai nghĩ bí có thể trồng ở Đà Lạt”, Thảo cho hay.
Thảo cho biết khó khăn nhất lúc đầu là phải tự sắp xếp mọi thứ, thực hiện livestream và biên tập video. Sau khi được sếp hỗ trợ, cô dần cảm thấy công việc dễ thở hơn. Để thu hút sự sự tương tác và ủng hộ của người xem, Thảo và ê kíp có nhiều chương trình quà tặng và khuyến khích khách hàng tương tác. Khi lượng người xem tăng và đơn hàng nhiều lên, cô lại gặp khó khăn trong khâu vận hành, chăm sóc khách hàng và phát triển kênh. Các video của Thảo có mức độ lan truyền quá nhanh khiến nhiều lúc hàng hóa bị thiếu hụt.
“Thời điểm tôi trầm cảm nhất là khi nguồn cung không đủ với dự kiến bán, nông sản không thu hoạch được sản lượng như mong muốn làm đơn hàng bị giới hạn”, Thảo nói.
Không ít lần, Thảo phát khóc khi khách đồng loạt trả lại hàng. Cô cho biết livestream là bán cảm xúc, bán tinh thần đến khách hàng, do đó khi xem, khách có thể rất hứng thú mua nhưng đơn hàng giao đến, họ không còn hứng thú nữa. Đôi lúc, khách không mua nữa vì… hết tiền hay lấy lý do không phải mình mua hoặc hàng hư hỏng.
“Những lần hoàn hàng về vậy, tôi thường lên live giải thích đặc thù của hàng hóa, sau đó tạo ra các lợi ích thêm cho khách khi nhận hàng và đánh giá cao 5*”, Thảo bật mí.
Để đảm bảo chất lượng rau, củ, quả tươi ngon đến tay khách hàng trên toàn quốc, Thảo luôn chú ý khâu đóng gói kỹ lưỡng, gửi hàng tươi và chất lượng nhất.
Khi khởi nghiệp, Thảo nhận được sự ủng hộ hết lòng từ mẹ. Bà là người dang rộng vòng tay khi con gái quyết định bỏ công việc tốt ở Sài Gòn để về bán rau. Cô cũng nhận được nhiều lời khuyên khi tiếp cận rau, củ từ giám đốc hợp tác xã và sự hỗ trợ từ những người đi trước trên hành trình xây dựng kênh và đưa nông sản trên sàn một cách thuận lợi.
Thảo dự định mở rộng mô hình livestream, hợp tác với các bạn sáng tạo nội dung khác để tăng lượng tương tác và tiếp cận đến sản phẩm. Cô cũng mong muốn nhân rộng năng lượng, câu chuyện của mình đến những người nông dân, với thông điệp ai cũng có thể tạo cho mình một kênh để mang sản phẩm đến mọi người.
“Tôi sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nông dân, không chỉ Đà Lạt, mà các nơi khác để họ nâng giá trị sản phẩm và cải thiện cuộc sống”, Thảo nói.