Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump xuất hiện khi đọc thông điệp chiến thắng vào ngày 6/11/2024. Ảnh: CNN.
Lo ngại lan rộng trong chính quyền liên bang
Trước thực tế ông Trump sẽ trở lại, nhiều công chức liên bang cảm thấy bất an vì nguy cơ bị sa thải theo kế hoạch khôi phục sắc lệnh hành pháp "Schedule F".
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố sẽ khôi phục trở lại sắc lệnh "Schedule F". Ông từng gọi một bộ phận công chức liên bang là "điệp viên của Deep State - thế lực ngầm chi phối nước Mỹ", CNN cho biết. Xuất hiện vào năm 2020, sắc lệnh này trao cho tổng thống Mỹ quyền sa thải hàng loạt công chức liên bang.
Ronald Sanders, cựu quan chức trong chính quyền Trump và người đã từ chức để phản đối việc chính trị hóa công vụ, nói sẽ là “đáng lo ngại” nếu sắc lệnh "Schedule F" được áp dụng trở lại. “Điều này đặt ra mối lo ngại nếu ông Trump đưa người trung thành vào các vị trí vốn cần kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp”, ông Sanders nói với CNN.
Một số công chức liên bang lâu năm nói với CNN rằng họ dự định sẽ ở lại cho đến kỳ nghỉ năm mới. Nhưng không rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó. “Tôi có thể nói là có một bầu không khí lo ngại trong đội ngũ công chức liên bang”, một nhân viên công tác tại Bộ Năng lượng Mỹ, nói với CNN.
Một bộ phận công chức liên bang Mỹ đã nghỉ việc khi ông Trump nắm quyền nhiệm kỳ đầu. Những người khác vẫn kiên trì, hi vọng về một lãnh đạo mới sau cuộc bầu cử năm 2020. Hiện tại, họ phải đối mặt với việc ông Trump nắm quyền thêm 4 năm nữa. Ông Trump dự kiến sẽ cải tổ đáng kể bộ máy công chức liên bang theo hướng giảm quy mô và hiệu quả hơn.
"Chúng tôi đang thảo luận với nhau về việc liệu có thể chịu đựng thêm nhiệm kỳ nữa của ông Trump hay không", một nhân viên tại Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết.
2 triệu công chức liên bang có thể bị ảnh hưởng
Theo CNN, các quyết định điều chỉnh của ông Trump có thể dẫn đến sự thay đổi lớn nhất trong bộ máy công chức liên bang kể từ năm 1883, Max Stier, giám đốc điều hành tổ chức “Partnership for Public Service” ở Mỹ, nhận định.
Theo ông Stier, nếu áp dụng sắc lệnh "Schedule F", ông Trump có thể đưa chính phủ Mỹ quay lại "hệ thống chiến lợi phẩm" như cuối thế kỷ 19, khi công chức liên bang được bổ nhiệm nhờ sự trung thành thay vì năng lực.
Một phát ngôn viên đội ngũ của ông Trump không trực tiếp trả lời câu hỏi của CNN về việc sắc lệnh "Schedule F" có thể được áp dụng như thế nào hay có bao nhiêu công chức liên bang bị ảnh hưởng.
Tỷ phú Elon Musk có thể đóng vai trò trong ủy ban cải tổ chính phủ dưới thời ông Trump để để cắt giảm 2 nghìn tỷ USD ngân sách liên bang. Ảnh: Reuters.
“Người dân Mỹ đã lựa chọn Tổng thống đắc cử Donald Trump với tỉ lệ áp đảo, trao cho ông nhiệm vụ thực hiện những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử”, phát ngôn viên chuyển giao Karoline Leavitt cho biết. “Ông Trump sẽ thực hiện những cam kết đó”.
Việc sa thải hàng loạt có thể sẽ không xảy ra ngay từ ngày đầu tiên ông Trump nắm quyền. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dựng lên các rào cản tạm thời tại Văn phòng Quản lý Nhân sự liên bang – các quy tắc nhằm bảo vệ công chức liên bang khỏi quyết định sa thải hàng loạt. Nhưng quy tắc của ông Biden chưa bao giờ được quy định trong Quốc hội và có thể dễ dàng bị đảo ngược.
Theo CNN, việc áp dụng trở lại “Schedule F” có thể ảnh hưởng đến hơn 2 triệu công chức Mỹ. Tại khu vực thủ đô Washington (bao gồm vùng DC-Maryland-Virginia), khoảng 449.000 công chức liên bang đang làm việc, trong đó riêng thủ đô Washington có đến 162.000 người - nhiều nhất trong cả nước. Khoảng 967.000 công chức liên bang làm việc ở các bang ủng hộ ông Trump cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nỗ lực bảo vệ quyền lợi công chức
Các tổ chức và liên đoàn lao động đại diện cho công chức, như Liên đoàn Công chúc Liên bang Mỹ (AFGE), đang chuẩn bị các biện pháp bảo vệ quyền lợi của các thành viên.
Chủ tịch AFGE, Everett Kelley, tuyên bố: "Công chức cần được làm việc mà không bị can thiệp chính trị, không vi phạm lời thề với Hiến pháp và không bị ép buộc phải phạm luật".
Liên đoàn đã ký kết hợp đồng mới với EPA nhằm bảo vệ các nhà khoa học khỏi sức ép chính trị, để họ có thể thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp và độc lập. Trong hợp đồng mới, nhân viên EPA được bảo vệ khỏi những can thiệp không hợp lý vào kết quả khoa học.
Trong khi đó, ông Trump đã đưa ra các kế hoạch cải cách khác, bao gồm việc di dời trụ sở các cơ quan liên bang ra khỏi thủ đô Washington DC nhằm cắt giảm số lượng công chức. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu, ông đã chuyển trụ sở của Cục Quản lý Đất đai từ Washington DC đến Colorado, khiến 287 nhân viên phải từ chức hoặc nghỉ hưu sớm.
Trong nhiệm kỳ mới, ông Trump có thể thành lập một ủy ban cải tổ chính phủ do tỷ phú Elon Musk tham gia để cắt giảm 2 nghìn tỷ USD ngân sách và sa thải các nhân viên không phù hợp với "nhiệm vụ mới" hoặc không làm việc hiệu quả.
Mặc dù các tổ chức công đoàn đang chuẩn bị đấu tranh pháp lý chống lại “Schedule F”, nhiều chuyên gia cho rằng biện pháp này có thể sẽ không đủ sức để bảo vệ quyền lợi của công chức một khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, theo CNN.