CNN: Lời cảnh báo từ quá khứ với Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuần trước tuyên bố vụ hạ sát thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah là một trong những bước đi cần thiết để tiến tới "thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông trong nhiều năm tới".

Hiện trường vụ Israel không kích sát hại thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ở phía nam Beirut, Lebanon. Ảnh: Reuters.

Báo Mỹ CNN nhận định, ông Netanyahu đã nhìn thấy cơ hội tái cấu trúc cơ cấu quyền lực ở Trung Đông thông qua việc gây tổn hại nặng nề cho lực lượng Hezbollah. Tuy vậy, theo CNN, chiến thắng hoàn toàn là điều khó có thể đạt được và Israel có thể sẽ phải "hối tiếc dù đạt được mục đích mong muốn".

Kể từ ngày 17/9, Israel đã liên tiếp giáng đòn "choáng váng" nhằm vào lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon. Ban đầu là vụ nổ 3.000 máy nhắn tin và hàng trăm bộ đàm, sau đó là đòn không kích sát hại chỉ huy cấp cao Hezbollah Ibrahim Aqil. 

Đến ngày 27/9, thủ lĩnh tối cao Hezbollah Nasrallah thiệt mạng khi họp với phó Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và nhiều chỉ huy cấp cao khác để bàn kế hoạch tấn công Israel. Gần như toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao nhất của Hezbollah đã bị quân đội Israel triệt hạ.

Bằng một loạt các hành động quân sự trên, Israel đã chứng minh nước này lấn lướt hoàn toàn trước các lực lượng kháng chiến thân Iran và đang là thế lực mạnh nhất ở Trung Đông.

Tuy nhiên, lịch sử đã chỉ ra rằng, Israel luôn đối mặt với "thất bại cay đắng" khi tìm cách can thiệp vào nội bộ Lebanon và thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông, CNN nhận định.

Tháng 6/1982, Israel phát động tấn công Lebanon với mục tiêu đè bẹp Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Thắng lợi quân sự ban đầu dẫn đến sự thành lập chính quyền thân Israel ở Lebanon. Israel cũng muốn loại bỏ ảnh hưởng của Syria ở Lebanon.

Đến cuối cùng, Israel đã thất bại trong cả ba mục tiêu. Các nhóm vũ trang Palestine ban đầu buộc phải rời khỏi Lebanon theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Thành viên các nhóm này phải lưu vong ở Tunisia, Yemen và nhiều nước khác.

Nhưng mục tiêu dập tắt phong trào PLO của Israel đã thất bại. Tình cảnh càng thêm rối ren khi cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine ở Dải Gaza nổ ra vào năm 1987 và lan sang khu Bờ Tây. Ngày nay, các phe phái Palestine có những bất đồng nhưng đều phản đối sự chiếm đóng của Israel và mong muốn thành lập nhà nước riêng.

Theo CNN, kết quả rõ ràng nhất sau cuộc chiến năm 1982 ở Lebanon là sự ra đời của phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Phong trào đã phát động chiến tranh du kích khiến Israel vất vả chống đỡ và cuối cùng buộc phải rút quân hoàn toàn khỏi Lebanon vào năm 2000. Đây là lần đầu tiên một lực lượng kháng chiến Ả Rập buộc Israel phải rút khỏi một vùng đất Ả Rập.

Hezbollah sau đó ngày càng trỗi dậy và đến năm 2006 thì giao tranh sòng phẳng với quân đội Israel ở miền nam Lebanon. Ngày nay, Hezbollah đã bị Israel giáng những đòn nặng nề khiến tổ chức được cho là rơi vào hỗn loạn. Bộ máy Hezbollah đã bị tình báo Israel xâm nhập sâu rộng. Nhưng dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói rằng Hezbollah sẽ sụp đổ, CNN nhận định.

Một ví dụ khác là cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ phát động năm 2003. Mỹ nhanh chóng đè bẹp quân đội Iraq nhờ sức mạnh quân sự áp đảo. Nhưng hậu quả là tạo ra những bất ổn và bạo lực tràn lan ở Trung Đông. Cái chết của lãnh đạo Iraq Saddam Hussein cũng tạo cơ hội để Iran mở rộng ảnh hưởng. Ngày nay, Iraq là một trong những đồng minh thân cận của Iran.

Tổ chức khủng bố al-Qaeda từng bị tổn hại nặng nề ở Afghanistan, trỗi dậy trở lại nhờ bất ổn ở Iraq. Ngoài ra, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq xuất hiện vào năm 2014. Liên minh quân sự quốc tế đã phải mất nhiều năm để có thể loại bỏ gần như hoàn toàn IS.

CNN kết luận, các hoạt động quân sự mà Israel theo đuổi có thể giúp đạt mục tiêu ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, một nền hòa bình và ổn định ở Trung Đông không thể được giải quyết bằng vũ lực khi thù hận và những mâu thuẫn về tôn giáo, sắc tộc vẫn còn đó.

Nhật Minh - CNN

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN