Chiếc máy bay Boeing thứ hai bị Trung Quốc trả lại Mỹ: Quốc gia châu Á này nhanh chóng nhập cuộc

Hai chiếc máy bay Boeing 737 MAX lẽ ra được bàn giao cho các hãng hàng không Trung Quốc bất ngờ quay đầu trở về Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến ngành hàng không rơi vào tình thế bấp bênh.

Dữ liệu từ trang theo dõi chuyến bay AirNav Radar cho thấy một chiếc Boeing 737 MAX đã rời trung tâm hoàn thiện máy bay của Boeing ở Chu San, gần Thượng Hải, vào sáng thứ Hai và đang trên đường bay về đảo Guam – lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Đây là chặng dừng quen thuộc trên hành trình hơn 8.000 km giữa trung tâm sản xuất ở Seattle (Mỹ) và Trung Quốc.

Trước đó một ngày, một chiếc 737 MAX mang màu sơn của hãng hàng không Hạ Môn (Xiamen Airlines) cũng đã rời Chu San và hạ cánh tại sân bay Boeing Field ở Seattle.

Dù chưa rõ phía nào đưa ra quyết định này – Boeing hay phía Trung Quốc – giới quan sát cho rằng động thái đưa máy bay trở lại Mỹ là hệ quả trực tiếp từ căng thẳng thương mại leo thang.

Malaysia Airlines để mắt tới máy bay Boeing mới nếu Trung Quốc từ chối

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nâng thuế nhập khẩu cơ bản với hàng Trung Quốc lên 145%, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 125% với hàng hóa Mỹ. Trong bối cảnh đó, một chiếc Boeing 737 MAX có giá thị trường khoảng 55 triệu USD sẽ trở nên quá đắt đỏ nếu bị áp thuế cao như vậy.

Không chỉ tạo ra gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không Trung Quốc, cuộc chiến thuế quan còn làm rối loạn quy trình giao hàng – vốn từ lâu được miễn thuế theo thông lệ ngành hàng không quốc tế.

Việc các hãng Trung Quốc hoãn hoặc từ chối nhận máy bay mới không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của họ, mà còn khiến Boeing đối mặt với tình trạng dư thừa máy bay và chậm dòng tiền.

Trong lúc Boeing đang phải điều chỉnh lại kế hoạch giao hàng, Tập đoàn Hàng không Malaysia (MAG) đã nhanh chóng nhập cuộc. Giám đốc điều hành MAG, ông Izham Ismail, cho biết họ đang đàm phán với Boeing để có thể tiếp nhận các suất giao hàng mà phía Trung Quốc bỏ lại.

Malaysia Airlines đang trong quá trình mở rộng đội bay và đã đặt mua 30 chiếc 737 MAX mới trong năm nay, trong đó có 18 chiếc MAX 8 và 12 chiếc MAX 10, kèm quyền chọn mua thêm 30 chiếc nữa.

Ngoài ra, hãng này cũng đang thuê 25 chiếc 737 MAX từ Air Lease Corp trong giai đoạn 2023-2026. Tuy nhiên, ông Ismail khẳng định nếu nhận thêm máy bay từ Boeing, đây sẽ là một thỏa thuận hoàn toàn mới và MAG sẽ cần huy động vốn từ thị trường tài chính.

Máy bay Boeing thứ hai bắt đầu trở về từ Trung Quốc

Cuộc chiến thuế quan sẽ còn tác động tới Boeing

Các hãng hàng không toàn cầu hiện đang rất cần máy bay mới để đáp ứng nhu cầu phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn và Boeing giảm tốc độ sản xuất do giám sát quy định gắt gao cùng đình công lao động đã khiến thời gian chờ đợi kéo dài đáng kể.

Với các hãng như Malaysia Airlines, cơ hội mua lại suất giao hàng bị bỏ trống là “vàng mười” để đẩy nhanh tiến độ thay mới đội bay mà không phải đợi quá lâu.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức tài chính cho các hãng, khi việc đột ngột mở rộng đội bay có thể đòi hỏi nguồn vốn lớn và sự điều chỉnh trong chiến lược vận hành.

Việc hai chiếc 737 MAX quay về Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc chiến thuế quan đang phá vỡ trật tự ổn định của ngành hàng không – nơi từ trước tới nay luôn được hưởng chính sách miễn thuế cho máy bay mới.

Sau gần 5 năm chịu lệnh cấm nhập khẩu 737 MAX, Boeing mới bắt đầu khôi phục việc giao hàng cho Trung Quốc thì lại tiếp tục đối mặt với rào cản thương mại mới.

Giới phân tích cảnh báo, nếu tình trạng bất ổn này kéo dài, nhiều đơn hàng có thể bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, gây thiệt hại lớn cho cả nhà sản xuất và các hãng hàng không trên toàn cầu.

Xuyến Chi (Theo Reuters)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN