Châu Âu cân nhắc điều 30.000 quân tới Ukraine

Theo các quan chức thạo tin, quân đội châu Âu "sẽ không được triển khai dọc theo tiền tuyến mà được bố trí để sẵn sàng phản ứng nhanh nếu các lực lượng Nga tiếp tục giao tranh".

Binh sĩ NATO ở châu Âu. Ảnh: Getty

Tờ The Washington Post ngày 17/2 đưa tin, các nước châu Âu có thể sẽ gửi từ 25.000 đến 30.000 quân tới Ukraine như một phần của nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn tiềm năng.

Số quân nêu trên sẽ không được triển khai dọc theo tiền tuyến mà sẽ được bố trí để phản ứng nhanh nếu lực lượng Nga tiếp tục giao tranh.

Pháp được cho là đã lên kế hoạch quân sự chi tiết nhất cho một nhiệm vụ như vậy và có thể huy động tới 10.000 quân.

Gần đây, Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố ông sẵn sàng triển khai quân đội Anh tới Ukraine để thực thi thỏa thuận hòa bình nếu cần thiết.

Thụy Điển cũng không loại trừ khả năng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.

Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, một số quốc gia châu Âu khác vẫn thận trọng, nêu ra lo ngại về sự leo thang và nguồn lực quân sự hạn chế.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã nói rõ, Ba Lan sẽ không gửi quân đến Ukraine như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, Warsaw vẫn cam kết cung cấp hỗ trợ hậu cần, tài chính, nhân đạo và quân sự cho Kiev.

Đức cũng tuyên bố sẽ không tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của châu Âu ở Ukraine trừ khi Mỹ cũng tham gia.

Theo RBC Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đảm bảo sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình. Ông Zelensky cho rằng đây có thể là bước đầu tiên hướng tới việc thành lập một lực lượng vũ trang thống nhất của châu Âu.

Hôm 22/1, ông Zelensky cho biết số lượng quân châu Âu cần thiết gìn giữ hòa bình ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào quy mô quân đội Ukraine.

Chính quyền ông Trump loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine nhưng khuyến khích các đồng minh châu Âu đi đầu trong việc đảm bảo sự ổn định của Ukraine hậu xung đột.

Tâm Hoa - Washington Post, Kyiv Independent

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN