Ngày nay, trẻ em do được tiếp xúc với nhiều thông tin trên mạng nên trẻ có xu hướng trưởng thành sớm. Trẻ dám bày tỏ ý kiến riêng, có thái độ cứng đầu khi mắc lỗi, điều này khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu tìm cách dạy con.
Gần đây, trong một video lan truyền trên mạng ghi lại cảnh một cậu bé bị cha mình phạt. Việc bị phạt đứng không có gì quá nghiêm trọng nhưng điều đáng nói là cậu bé này giơ ngón tay giữa. Suốt 1 tiếng đồng hồ bị phạt, cậu bé giơ ngón tay giữa liên tục cả 2 tay. Điều này khiến nhiều cư dân mạng thấy khó hiểu và tò mò về hành động ngỗ nghịch này của cậu bé.
Theo Wikipedia, trong văn hóa phương Tây, việc giơ ngón tay thối hay ngón tay giữa được coi là hành động khiếm nhã. Cử chỉ này mang tính xúc phạm, khinh bỉ, chửi thề, đồng nghĩa với nói “cút đi”. Tại Đức, hành động này còn có thể bị kiện ra tòa vì tội phỉ báng, nhất là khi giơ ngón tay giữa với cảnh sát.
Khi xem hết video, cư dân mạng biết được rằng cậu bé này có thói quen thích giơ ngón tay giữa. Hơn nữa, trong bài kiểm tra cậu bé không viết gì mà còn vẽ động tác này lên giấy.
Hành vi nghịch ngợm này khiến cả giáo viên và phụ huynh rất tức giận. Vì vậy, người cha quyết định phạt con thật nặng để rút kinh nghiệm. Sau khi bị phạt đứng suốt cả tiếng đồng hồ, dường như cậu bé đã nhận ra sai lầm của mình, cho biết sẽ không thực hiện hành động này nữa.
Trước đây, khi cư dân mạng chứng kiến cảnh cha mẹ đánh đập dạy dỗ con cái, ai cũng thấy xót xa cho trẻ con. Mặc dù việc giáo dục bằng đòn roi không được khuyến khích trong xã hội hiện nay, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn ủng hộ cách dạy con này. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học, chúng dễ dàng bắt chước những từ ngữ thô tục, chửi thề trên mạng, việc áp dụng các hình phạt nặng có thể là điều khả thi trong trường hợp này.
Tuy nhiên, cha mẹ không thể mù quáng học cách trừng phạt con bằng đòn roi, bởi nếu trừng phạt con quá mức sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới sự phát triển của trẻ. Trẻ em ngày nay có lòng tự trọng rất cao vì chúng trưởng thành sớm. Nếu cha mẹ không chú ý đến lòng tự trọng của con khi giao tiếp, điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.
Thậm chí, có một số trẻ còn bị cha mẹ phạt quá nặng khi phạm lỗi, dẫn đến việc trẻ tái phạm nhiều lần, trở nên lầm lì, phản kháng, từ đó hình thành thói quen nói dối.
Tất nhiên, nếu đứa trẻ không sẵn lòng thừa nhận lỗi lầm của mình, dù cha mẹ có nói lý lẽ tới đâu cũng vô dụng, lúc này cần phải áp dụng một số phương pháp đặc biệt.
Cha mẹ cần làm cho trẻ nhận thức được mức độ nghiêm trọng của việc mình gây ra và thái độ của cha mẹ cũng rất quan trọng. Trong quá trình trừng phạt, hãy để trẻ biết rằng, chúng đã đi quá xa, khi hình phạt đã được áp dụng thì đừng dừng lại giữa chừng. Nếu bạn dừng lại giữa chừng, rất có thể trẻ sẽ cảm thấy những gì cha mẹ nói là vô ích, điều này sẽ dẫn đến việc nếu trẻ tái phạm và bị cha mẹ trừng phạt, chúng sẽ không nghe lời và nổi loạn.