Cẩn thận khi mua bán vàng sang tay “cưa đôi” chênh lệch trên mạng kẻo gặp trúng vàng nhái, lừa đảo

Giá vàng tăng “đỉnh nóc”, nhiều người lên mạng mua bán vàng sang tay để tránh khoản chênh lệch giá mua vào bán ra. Tuy nhiên cách làm này dễ gặp rủi ro mua phải vàng giả, vàng nhái, lừa đảo.

Rầm rộ mua bán vàng “cưa đôi” chênh lệch

Lúc 9h sáng 6/2, giá vàng miếng SJC được trang chủ Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá bán ra ở mức 91,2 triệu đồng/lượng. Còn tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), giá bán ra vàng miếng SJC được các đơn vị kinh doanh vàng như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý... công bố mức 91,2 triệu đồng, vàng miếng Vàng Rồng Thăng Long Bảo Tín Minh Châu 91,15 triệu đồng.

Ở chiều mua vào, mỗi lượng vàng miếng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết quanh mức 88-88,1 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tới 3 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua – bán vàng cao nên nhiều người nghĩ cách rao bán vàng sang tay và 2 bên cưa đôi chênh lệch. Trong các hội nhóm mua bán, trao đổi vàng xuất hiện rất nhiều bài viết rao bán vàng theo cách này.

Các bài rao bán vàng xuất hiện nhan nhản trên các diễn đàn, hội nhóm trao đổi vàng.

"Em có hơn 30 chỉ Bảo Tín Minh Châu như ảnh bên dưới. Tại Bạch Mai, Hà Nội cần bán bác nào hốt giùm. Giá mong muốn 90", tài khoản T.H viết. Giá bán T.H đưa ra cao hơn 2 triệu so với giá niêm yết mua vào của các thương hiệu vàng. Sau 1 giờ đăng bài, chủ bài viết thông báo “đã bán”.

Một tài khoản khác rao bán 4 lượng vàng miếng SJC với giá bằng trung bình cộng giá bán ra và mua vào tại thời điểm giao dịch. Người này cho biết đã mua tại Vietcombank trước đây, có giấy tờ đầy đủ. Một trường hợp khác cũng rao bán 8 lượng vàng PNJ, chênh lệch cưa đôi theo giá niêm yết trên website. Bên dưới các bài đăng là hàng loạt comment hỏi giá và cách thức mua bán.

Theo ghi nhận, do là bán tự do, sang tay nên không có một mức giá cố định. Tuy nhiên điểm chung là giá vàng được người dân tự đưa ra khi bán cao hơn mức giá mua vào của các thương hiệu vàng. Chính điều này khiến nhiều người có ý định mua vàng tại các "chợ mạng”.

Cẩn thận kẻo mua trúng vàng nhái

Chị Nguyễn Thu Huyền – thành viên của một diễn đàn vàng trên mạng xã hội, cho biết những ngày gần đây, khi giá vàng tăng cao và chênh lệch giữa chiều mua – bán ngày càng được nới giãn, trong các hội nhóm liên tục xuất hiện các bài bán vàng cao hơn giá mua vào tại tiệm vàng.

Nếu mua bán theo giá này, cả người mua và người bán đều được lợi. Cụ thể, cùng 1 lượng vàng nhưng người bán bán được giá cao hơn, còn người mua thì mua được giá thấp hơn giá niêm yết tại cửa hàng.

“Lý do người ta muốn mua bán sang tay là thế, đỡ được vài phân so với giá các tiệm, mà chất lượng cũng không khác gì nhau. Nhưng nghe mọi người mấy hôm nay cảnh báo trong nhóm có lừa đảo, chưa kể vàng thật – vàng giả tôi nên chưa dám xuống tiền chốt vàng”, chị Huyền cho hay.

Vàng nhái thương hiệu SJC từng xuất hiện trên thị trường.

Chủ một tiệm vàng tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cảnh báo người dân khi mua vàng sang tay “cưa đôi” chênh lệch cần cân nhắc cẩn trọng bởi nguy cơ vàng giả, vàng nhái.

Theo đó, vàng nhái thương hiệu SJC vẫn là miếng vàng thật nhưng không phải do Công ty SJC sản xuất. Quan sát bằng mắt thường rất khó phân biệt vì hình thức bao bì, kích thước, cỡ chữ, dập nổi của vàng nhái SJC giống đến hơn 90% miếng vàng SJC sản xuất. Thậm chí có nhiều miếng vàng nhái tinh vi đến mức có thể qua mặt được cả một số tiệm vàng.

Vàng nhái SJC đã xuất hiện trên thị trường vài năm về trước. Nhiều người mua phải vàng nhái mà không biết. Do đó vẫn có khả năng những miếng vàng nhái thương hiệu SJC này còn trôi nổi trên thị trường.

Mua bán sang tay sẽ tiết kiệm được 1-2 triệu đồng/lượng nhưng giá mỗi lượng vàng hiện rất cao, vượt mốc 91 triệu đồng nên người tiêu dùng không nên đánh đổi như vậy. Nếu không cẩn thận lợi thì ít mà rủi ro thì nhiều. Người tiêu dùng nên giao dịch trực tiếp và đem vàng đến tiệm vàng kiểm tra trước khi chuyển tiền.

Vân Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN