Con gái chuẩn bị vào học lớp 1, chị Thảo (quê Bắc Giang) muốn tìm mua một căn hộ 2 ngủ để kịp làm hộ khẩu và ổn định trường lớp theo đúng tuyến cho con. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng tìm kiếm, chị Thảo vẫn chưa thể chốt được căn nào vì giá nhà quá đắt đỏ, vượt xa khả năng tài chính của vợ chồng chị.
Chị Thảo cho hay, hiện gia đình chị đang thuê căn hộ tập thể cũ trên địa bàn quận Đống Đa, con gái cũng đang học tại trường mầm non gần nơi ở. Trường tiểu học cũng khá gần nhà, nên chị muốn tìm hiểu mua căn tập thể cũ cùng khu vực chị đang ở trọ với mức tài chính tối đa 1,5 tỷ đồng.
Vợ chồng trẻ ngao ngán vì không tìm được căn hộ "vừa túi tiền"
Bạn bè và một số đồng nghiệp của chị Thảo cũng tư vấn, với khoản tiền trên nếu muốn mua nhà trong phố thì chỉ có thể tìm nhà tái định cư hoặc các căn tập thể cũ “cho vừa sức”.
Sau khi tham khảo người thân, chị Thảo dành khá nhiều thời gian tìm nhà qua các trang mạng chuyên về bất động sản, đi xem qua hàng chục căn hộ nhưng càng đi tìm người mẹ trẻ càng thấy hoang mang và ngao ngán.
Khả năng tài chính có hạn, nên chị Thảo chỉ dám giới hạn đi xem những căn hộ có mức giá khiêm tốn, dao động 1. 4 – 1.6 tỷ. Mức tiền này mua tập thể cũ thì chỉ tiếp cận được những căn tầng 5, những căn chung sổ với nhà bên cạnh hoặc những nhà tập thể xuống cấp bị ngấm nước rất ẩm, tối và khó cải tạo. Với những căn “thuận mắt” hơn chút thì hầu hết đều có giá trên 2 tỷ đồng, có nghĩa vượt xa khả năng tài chính của vợ chồng tôi.
"Ngoài ra, môi giới cũng giới thiệu tôi xem một số căn hộ tái định cư có thang máy, song phần lớn đều là nhà mua bán vi bằng, chưa có giấy tờ hợp pháp. Đi tìm nhà mới thấy, để mua được nhà với mức tài chính của mình thực sự không dễ dàng chút nào” – chị Thảo chia sẻ.
Thực tế, tìm hiểu thị trường căn hộ đã qua sử dụng trong các quận nội thành, cho thấy dù là nhà tập thể xuống cấp hay chung cư cũ đều đồng loạt tăng giá “phi mã” trong thời gian gần đây.
Trên các trang mua bán căn hộ, tập thể cũ tại Hà Nội, phân khúc căn hộ 2 ngủ diện tích trên 60m2 hầu hết đều có mức giá trên 2 tỷ đồng.
Theo Savills, giá bán căn hộ và nhà đất trên thị trường sơ cấp tăng giá trong 19 quý liên tiếp
“Mức tài chính dao động 1.5 tỷ đồng, thời điểm này người mua chỉ có thể tìm các căn hộ bình dân nằm xa trung tâm hoặc một số căn hộ mới nhưng diện tích rất nhỏ dưới 50m2” – chị Thúy Hằng, một môi giới BĐS cho hay.
Báo cáo mới đây của Savills ghi nhận, giá bán căn hộ và nhà đất trên thị trường sơ cấp đều tăng giá trong quý III kéo dài chuỗi tăng 19 quý liên tiếp, bất chấp bối cảnh thị trường còn ảm đạm.
Cụ thể, giá bán sơ cấp của phân khúc chung cư đạt mức 54 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Có thể thấy, giá bán căn hộ sơ cấp tăng liên tiếp trong 19 quý và cao hơn 77% so với quý I/2019. Giá bán trung bình trên thị trường thứ cấp là 36 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý và tăng 8% theo năm.
Cũng theo báo cáo trên, trong quý III vừa qua, nguồn cung chung cư mới giảm 47% theo quý và 65% theo năm xuống 1.891 căn hộ hạng B. Không có nguồn cung mới hạng A và C.
Nguồn cung sơ cấp gồm 19.808 căn, giảm 3% theo quý và 6% theo năm. Hạng B chiếm 92% nguồn cung.
“Số lượng căn bán được đạt 2.100 căn, giảm 16% theo quý và 42% theo năm. Các yếu tố kinh tế vĩ mô, khó khăn tài chính và lo ngại về khả năng chi trả đã ảnh hưởng đến thị trường nhà ở”, báo cáo cho biết.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân thị trường nhà ở có những bất cập trên được xác định là từ những tác động của nền kinh tế vĩ mô, khó khăn tài chính và các lo ngại xoay quanh khả năng chi trả của người dân.
Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược của Batdongsan.com.vn nhận định: “Việc mua chung cư đang ngày càng khó khăn đối với người dân khi tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà. Trong tương lai, các chung cư sơ cấp cũng ghi nhận mặt bằng giá cao vì các chủ đầu tư phải tối ưu lợi nhuận khi các chi phí đều bị đẩy lên. Tuy nhiên, hiện nhiều người mua vẫn chưa tiến hành vay mua vì họ vẫn quan ngại về lãi suất”.