PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện bệnh viện không còn phải chuyển người bệnh tới các cơ sở y tế khác để chiếu chụp, do các vướng mắc về mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế, sữa chữa máy móc đã được tháo gỡ.
Theo ông Cơ, thời gian qua Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu là một trong những nơi bị ảnh hưởng lớn, do nhiều máy móc hiện đại, đắt tiền tại đây thời gian qua phải lưu kho như: máy PET/CT, máy xạ phẫu Gamma knife giá 40 tỷ đồng, máy gia tốc để xạ trị hơn 100 tỷ đồng... Các máy này thuộc diện thiết bị xã hội hóa, vì vướng vấn đề pháp lý nên ngừng hoạt động.
(Ảnh minh họa- NLĐ).
Đến nay, các máy móc đắp chiếu do vướng mắc thủ tục như cộng hưởng từ, PET/CT hay xạ phẫu Gamma knife, sẽ trở lại hoạt động vào tuần sau để phục vụ người bệnh.
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cũng khắc phục được tình trạng thiếu thốn tài chính trầm trọng nhờ Chính phủ cấp ngân sách 1.200 tỷ đồng. Với gói hỗ trợ này, bệnh viện đầu tư các trang thiết bị thiết yếu phục vụ khám chữa bệnh, chẩn đoán nhanh và điều trị kịp thời. Những thiết bị mang tính cấp bách được ưu tiên mua sắm trước như hệ thống chẩn đoán hình ảnh, hệ thống phục vụ điều trị ung bướu gồm máy xạ trị, máy PETT/CT.
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, Nghị quyết 30 của Chính phủ cũng đã tháo gỡ và cho phép thanh toán Bảo hiểm y tế với các kỹ thuật thực hiện trên máy đặt máy mượn, các trang thiết bị được tặng mà bệnh viện chưa kịp nhập vào tài sản quốc gia.
Người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi và sự công bằng với chất lượng xét nghiệm, chẩn đoán trên các máy móc hiện đại nhất.
Bệnh viện nhận định vận hành thông suốt máy móc trang thiết bị y tế cũng giúp giảm số lượng bệnh nhân ngoại trú phải chuyển sang cơ sở liên kết khác chụp chiếu.
Trước đây, người bệnh và thân nhân được sắp xếp xe đưa đón khi sang cơ sở khác chụp CT hay MRI. Trường hợp phải chờ sang hôm sau, bệnh viện bố trí chỗ ngủ miễn phí tại khu nhà nghỉ thân nhân.
Tuy nhiên, dù trong thời điểm nào, người bệnh cũng chỉ chi trả tiền giống như thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không bị tính thêm chi phí khác.
Bộ Y tế ban hành Thông tư 14, hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm 2023, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu. Do đó, Hội đồng khoa học công nghệ của các bệnh viện được trao quyền xem xét việc đảm bảo chất lượng của các sản phẩm, phù hợp với chuyên môn và khả năng mua sắm của đơn vị, thay vì chỉ phải tập trung lựa chọn giá thấp nhất như trước.
Trước đó, năm 2022, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm, phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu, do các vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm.
Ngay sau đó, Chính phủ sau đó đã liên tiếp ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 (có hiệu lực thi hành ngay) cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm.