Mảnh vỡ tên lửa mồi nhử ADM-160B do Mỹ sản xuất.
Theo tờ The Drive, những hình ảnh mới được công bố cho thấy bằng chứng về việc quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng mẫu tên lửa mồi nhử ADM-160B của Mỹ.
Các tên lửa này không có chức năng tấn công mục tiêu, khi bị phát hiện sẽ khiến đối phương nghĩ rằng đây là tên lửa hành trình. Một số phiên bản ADM-160B còn được trang bị tính năng gây nhiễu hoặc làm giả tín hiệu. Mục đích cuối cùng là thu hút sự chú ý của hệ thống phòng không đối phương, tạo cơ hội cho tên lửa thực sự tấn công.
Bức ảnh được đăng tải ngày 12/5, cho thấy mảnh vỡ tên lửa ADM-160B sau cuộc tập kích của quân đội Ukraine ở vùng Lugansk. Cũng có những tin đồn cho rằng, Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow trong cuộc tập kích này.
Mảnh vỡ được tìm thấy ở vùng Lugansk vào ngày 12/5.
ADM-160B có hình dạng giống các tên lửa hành trình có giá hàng triệu USD nhưng thực tế nó chỉ có giá từ 120.000 – 300.000 USD. Tên lửa chỉ nặng 115kg, tầm hoạt động hơn 900km và có khả năng lượn quanh một khu vực cụ thể, phát ra tín hiệu giống như tên lửa hành trình hoặc máy bay.
Mỹ chưa từng đưa ra tuyên bố cung cấp loại tên lửa mồi nhử này cho Ukraine. “Chúng tôi hiện chưa thể đưa ra bình luận. Nhìn chung, chúng tôi luôn tìm cách hỗ trợ Ukraine", một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói trên tờ The Drive. “Vì lý do an ninh, chúng tôi không công bố chi tiết tất cả các loại vũ khí cung cấp cho Ukraine”.
Ngoài khả năng yểm trợ cho tên lửa Storm Shadow, quân đội Ukraine cũng có thể sử dụng loại tên lửa mồi nhử này để xác định vị trí Nga đặt các hệ thống phòng không, từ đó có phương án đối phó, theo The Drive.