Bỗng dưng xuất hiện đốm đen ở gan bàn chân, người phụ nữ bất ngờ phát hiện ung thư

Sau khi thăm khám và sinh thiết, các bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư tế bào hắc tố.

THS.BS Vũ Đình Tâm - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng vừa chia sẻ trường hợp chị L, Hà Nội, 40 tuổi, vốn khỏe mạnh. Tuy nhiên, vào giữa năm 2023, chị bắt đầu nhận thấy một đốm đen nhỏ ở gan bàn chân phải. Ban đầu, chị không quá lo lắng vì cho rằng đó chỉ là một nốt ruồi bình thường. Theo thời gian, đốm đen này không những không mất đi mà còn có dấu hiệu lớn dần và thay đổi hình dạng, và nổi gồ trên bề mặt da.

(Ảnh minh họa).

Mặc dù không có biểu hiện triệu chứng khó chịu gì nhưng chị có chút lo lắng khi đọc được các bài viết về ung thư da trên mạng nên quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi thăm khám và sinh thiết, các bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư tế bào hắc tố – một bệnh mà chị L. không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mắc phải.

Theo BS Tâm, ung thư tế bào hắc tố là loại ung thư phát triển từ các tế bào hắc tố, là loại tế bào chịu trách nhiệm sản xuất melanin, sắc tố tạo màu da. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 1% trong số các loại ung thư da, melanoma lại là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến ung thư da do tính chất xâm lấn và khả năng di căn nhanh của nó.

Ung thư tế bào hắc tố thường xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, các trường hợp melanoma ở những khu vực ít tiếp xúc với ánh nắng như bàn chân, lòng bàn tay và móng tay cũng rất thường gặp. Điều này làm tăng khó khăn trong việc phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác bệnh.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Các dấu hiệu ban đầu của melanoma có thể khá đa dạng, nhưng thường được nhận biết qua quy tắc ABCDE, đây là những dấu hiệu sớm để nghĩ tới ung thư tế bào hắc tố, nếu tổn thương có một trong các đặc điểm dưới đây cần đến khám ngay tại bệnh viện:

- Nốt ruồi hoặc vết tăng sắc tố không có hình dạng đối xứng.

- Đường viền của nốt ruồi không đều, lởm chởm hoặc mờ.

- Màu sắc không đều, có thể bao gồm nhiều màu sắc khác nhau như đen, nâu và thậm chí đỏ hoặc xanh.

- Đường kính lớn hơn 6 mm.

- Nốt ruồi thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc theo thời gian.

Sau khi phát hiện đốm đen trên bàn chân, chị L đã trải qua nhiều bước kiểm tra khác nhau, bao gồm sinh thiết da để xác định bản chất của khối u. Kết quả cho thấy chị bị ung thư tế bào hắc tố giai đoạn IIA. Ngay sau khi chẩn đoán, các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật sớm nhằm điều trị cho bệnh nhân.

Quá trình điều trị của chị L bao gồm phẫu thuật cắt bỏ rộng khối ung thư và sinh thiết hạch nghi ngờ trên hình ảnh xạ hình nhằm xác định đã có di căn hạch hay không.

Để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư hắc tố da (melanoma), cộng đồng cần thực hiện những biện pháp sau:

- Tự kiểm tra da thường xuyên: Hãy chú ý đến những thay đổi trên da, đặc biệt là những nốt ruồi hoặc đốm đen mới xuất hiện hoặc thay đổi hình dạng.

- Thăm khám định kỳ: Đến các cơ sở y tế để được kiểm tra da toàn diện ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc ung thư da hoặc có làn da trắng dễ bị tổn thương do ánh nắng.

- Sử dụng kem chống nắng: Áp dụng kem chống nắng hàng ngày với chỉ số SPF 30 trở lên, ngay cả trong những ngày nhiều mây.

- Bảo vệ da khỏi tia UV: Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc quần áo bảo hộ khi ra ngoài nắng.

Ung thư tế bào hắc tố là một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm.

TUẤN ANH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN