
Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif. Ảnh: Getty.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình “The World with Yalda Hakim” trên kênh Sky News (Anh), ông Khawaja Asif tuyên bố thế giới “nên lo ngại” trước viễn cảnh xảy ra một cuộc xung đột toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ hi vọng căng thẳng hiện tại có thể được giải quyết thông qua đàm phán. “Thế giới nên lo lắng về điều này”, ông Asif nói. “Một cuộc đụng độ giữa hai cường quốc hạt nhân luôn là điều đáng lo ngại... Nếu tình hình vượt quá tầm kiểm soát, hậu quả của cuộc đối đầu này có thể rất thảm khốc”.
Căng thẳng gia tăng sau khi 26 du khách bị nhiều tay súng sát hại tại một địa điểm du lịch ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào hôm thứ Ba. Theo cảnh sát địa phương, có ít nhất 4 tay súng đã xả đạn vào hàng chục du khách ở cự ly gần. Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng cáo buộc Pakistan đứng sau vụ tấn công.
Tuy nhiên, ông Asif bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Ấn Độ đã “dựng lên” vụ việc như một “chiến dịch cờ giả”. Ông nhấn mạnh quân đội Pakistan đang “sẵn sàng đối phó với mọi tình huống” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và cả hai bên đều có những động thái ngoại giao cứng rắn.
“Chúng tôi sẽ đo lường phản ứng của mình tùy theo hành động từ phía Ấn Độ. Đó sẽ là phản ứng có tính toán,” ông Asif tuyên bố.
“Nếu họ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện, hoặc điều gì đó tương tự, thì chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh toàn diện”, ông nói.
Khi được hỏi liệu ông có đổ lỗi cho Ấn Độ trong vụ tấn công khiến du khách thiệt mạng hay không, ông Asif trả lời: “Có, hoàn toàn là vậy. Chính họ tạo ra những tình huống này”.
Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta nên giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán”.
Trước câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có nên can thiệp để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng, ông Asif cho rằng vai trò của Washington là cần thiết.
“Chắc chắn rồi. Ông ấy là lãnh đạo của cường quốc duy nhất trên thế giới. Ông ấy từng đàm phán tại nhiều điểm nóng toàn cầu”.
“Và đây cũng là một điểm nóng – giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang đối đầu nhau. Nếu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc, chú ý tới tình hình này và có thể mang lại sự tỉnh táo, thì đó sẽ là điều tốt đẹp”.
Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Kashmir, nhưng hiện mỗi bên kiểm soát một phần. Tranh chấp kéo dài hơn 30 năm tại vùng đất này đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Dù bạo lực từng có xu hướng giảm trong vài năm gần đây, vụ xả súng lần này đã làm bùng phát trở lại căng thẳng giữa hai bên.