Bộ trưởng QP Đức nói gì về thông tin cung cấp tên lửa Taurus để Ukraine tấn công cầu Crimea?

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 3/3 nêu quan điểm trước thông tin rò rỉ cho rằng Đức tính cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus để Ukraine tấn công cầu Crimea.

Tư lệnh không quân Đức, trung tướng Ingo Gerhartz.

Việc các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội thảo luận các kịch bản tên lửa Taurus được sử dụng ở Ukraine không có nghĩa là Berlin đã "bật đèn xanh" để cung cấp loại vũ khí này cho Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói hôm 3/3.

"Tôi nghĩ các sĩ quan đã làm công việc của họ. Họ lên kế hoạch, xây dựng các kịch bản", ông Pistorius nói với các phóng viên. "Đó là trách nhiệm của họ".

"Cá nhân tôi và Thủ tướng (Olaf Scholz) vẫn chưa quyết định cho phép sử dụng tên lửa Tarus ở Ukraine", ông Pistorius nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội chỉ thảo luận tình huống giả định, không phải là kịch bản thực tế. Đức vẫn duy trì lập trường không can dự trực tiếp vào xung đột ở Ukraine, ông Pistorius nói.

"Các sĩ quan luôn nắm rõ những giới hạn không thể bị vượt qua trong cuộc xung đột", ông Pistorius giải thích.

Ukraine từng nhiều lần tìm cách tấn công cầu Crimea, dẫn đến những hư hại nhất định.

Trước đó, tình báo Nga được cho là đã thu thập nội dung trao đổi giữa Tư lệnh không quân Đức, trung tướng Ingo Gerhartz và cấp dưới. Thông tin được tổng biên tập đài RT của Nga, bà Margarita Simonyan công bố hôm 1/3.

Cuộc họp của các quan chức không quân Đức diễn ra trên Webex, nền tảng họp trực tuyến dân sự thông dụng và không được mã hóa theo tiêu chuẩn quân đội. Một trong 4 sĩ quan Đức tham gia cuộc họp bằng điện thoại cá nhân kết nối từ phòng khách sạn tại Singapore.

Tại cuộc họp, các sĩ quan Đức thảo luận về phương thức cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, tham khảo từ cách Anh và Pháp cung cấp tên lửa Storm Shadow/SCALP. Các sĩ quan cùng bàn cách hỗ trợ Ukraine tấn công cầu Crimea bằng tên lửa Taurus.

Ukraine từng cố gắng sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP để tấn công cầu Crimea nhưng thất bại. Tên lửa Taurus uy lực hơn với tầm bắn xa hơn có thể tạo ra mối đe dọa với cây cầu.

Các sĩ quan Đức trong cuộc họp nói đã phân tích chi tiết phương án tấn công cầu Kerch, nhận định Ukraine sẽ cần phóng 10-20 tên lửa Taurus để vượt qua lưới phòng không Nga và phá hủy cây cầu.

Tên lửa Taurus nặng 1,4 tấn, được trang bị đầu đạn nặng gần 500kg.

"Không có lý do nào ngăn cản điều đó, tất cả đều phụ thuộc vào lằn ranh đỏ về mặt chính trị", tướng Gerhartz nói trong cuộc họp.

Tướng Gerhartz, Tư lệnh không quân thuộc NATO duy nhất có kinh nghiệm điều khiển chiến đấu cơ, nói hoàn toàn có thể cung cấp tên lửa để Ukraine hoàn thành mục tiêu mà Đức không can dự trực tiếp.

Theo tướng Gerhartz, các sĩ quan Mỹ bí mật hiện diện ở Ukraine có thể hỗ trợ Ukraine lắp tên lửa Taurus lên các máy bay sẵn có. "Theo tôi được biết, có các sĩ quan Mỹ mặc thường phục làm nhiệm vụ ở Ukraine", tướng Gerhartz nói.

Một sĩ quan tham gia cuộc họp cũng nói tên lửa Taurus hoàn toàn có thể được Ukraine gắn lên chiến đấu cơ Su-24, giống như cách tích hợp tên lửa Storm Shadow/SCALP.

Tướng Gerhartz cũng nhận định trong cuộc họp rằng, phá hủy cầu Crimea mang ý nghĩa chiến lược và chính trị quan trọng nhưng không làm thay đổi cục diện xung đột vì Ukraine khó có thể mở cuộc phản công ngay sau đó.

"Cuộc tấn công đó sẽ không làm thay đổi cục diện xung đột. Chúng ta cần nói rõ là như vậy", tướng Gerhartz nói trong cuộc họp.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng thông tin bị rò rỉ là "vết nhơ" đối với Đức nói riêng và NATO nói chung. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova yêu cầu giới chức Đức "nhanh chóng đưa ra lời giải thích".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev mô tả Đức từng là "đối thủ lịch sử của Nga và giờ đây đang một lần nữa trở thành kẻ thù không đội trời chung".

Nhật Minh - WSJ, TASS

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN