Các mẫu UAV FPV gắn thuốc nổ đang được cả Nga và Ukraine tích cực sử dụng.
"UAV đối phương có thể không phát hiện ra chúng tôi. Nhưng nếu bị lộ, chúng tôi phải ẩn náu thật kỹ và thật nhanh", Major, binh sĩ Ukraine 25 tuổi là người chuyên điều khiển UAV trong giao tranh ở miền nam, nói với tờ The Economist.
Binh sĩ này nói rằng, làm nhiệm vụ chiến đấu ở cách xa tiền tuyến tưởng như an toàn nhưng thực tế không phải như vậy. "Chúng tôi không có nhiều cơ hội nếu bị UAV đối phương phát hiện. Những chiếc UAV đó bay với tốc độ 150 - 160 km/giờ. Không có nơi ẩn náu kiên cố, chúng tôi cầm chắc cái chết", Major nói.
Major từng bị UAV Nga săn lùng 4 lần và lần gần nhất là vào giữa tháng 10. Hai đồng đội của Major không may mắn như vậy. "Tôi thường nói rằng, chỉ có Chúa mới quyết định liệu chúng tôi có sống sót hay không chứ không phải yếu tố nào khác", Major chia sẻ.
Cuộc xung đột ở Ukraine đang ngày càng trở thành cuộc đối đầu bằng những cỗ máy sát thủ bay trên trời. Trong đó, các binh sĩ điều khiển UAV được coi như "thợ săn", nhưng họ cũng rất dễ trở thành "con mồi", theo tờ The Economist.
Binh sĩ Ukraine điều khiển UAV để lại dấu vết bằng sóng vô tuyến và các lực lượng Nga có thể lần theo dấu vết này để xác định chính xác vị trí nhờ công nghệ vượt trội.
Một binh sĩ Ukraine điều khiển UAV FPV.
Hummer, chỉ huy lữ đoàn số 47 chiến đấu ở tiền tuyến miền nam, nói các lực lượng Nga sử dụng mọi hỏa lực sẵn có để triệt hạ các binh sĩ điều khiển UAV của Ukraine, từ UAV tương đương cho đến pháo hoặc bom lượn.
Major nói đơn vị của anh mất khoảng 15% đồng đội trong vài tháng qua. Hummer nói mức độ tổn thất là thấp hơn, nhưng không cho biết cụ thể.
Trong nhiều tháng, quân đội Ukraine nhanh chóng trang bị cho các binh sĩ nhiều mẫu UAV góc nhìn thứ nhất (FPV). Đến nay, Nga cũng đang sử dụng hàng loạt UAV tương đương. Các mẫu UAV FPV do Nga sản xuất đã phá hủy nhiều xe bọc thép, thậm chí là xe tăng Leopard 2 ở miền nam Ukraine.
Một binh sĩ Ukraine có thể điều khiển UAV tấn công mục tiêu cách xa vài trăm mét cho đến vài km và thậm chí lên tới hàng chục km. Giữa tháng 10/2023, một binh sĩ Ukraine lập kỷ lục hạ xe tăng Nga bằng UAV ở khoảng cách 22km, theo tờ The Economist. Hummer nói tỉ lệ UAV tấn công mục tiêu thành công của đơn vị là khoảng 58%.
Hummer chia sẻ, lực lượng Nga rất nhanh chóng trong việc rút ra kinh nghiệm chiến đấu. "Từ đầu mùa hè, Nga đã trang bị cho xe tăng, xe bọc thép các thiết bị gây nhiễu bé bằng cái hộp. Khi được kích hoạt, thiết bị tạo ra luồng năng lượng cao xung quanh xe tăng, chặn tín hiệu UAV", Hummer nói. "Những lúc như vậy, chúng tôi không còn nhìn thấy hình ảnh UAV truyền về. Tấn công mục tiêu trở thành nhiệm vụ bất khả thi".
Xe tăng Leopard 2 bốc cháy sau khi bị UAV Nga tập kích.
Các đơn vị Ukraine thường không nhận được sự bảo vệ như vậy. Có thời điểm, Major điều khiển UAV tự sát ở khu vực chỉ cách thị trấn Robotyne vài trăm mét mà không có các thiết bị điện tử bảo vệ. Những lúc như vậy, Major chỉ biết cầu mong không bị Nga lần ra vị trí theo tín hiệu sóng vô tuyến.
"Nhiều người muốn tham gia đơn vị chuyên điều khiển UAV vì nghĩ rằng làm nhiệm vụ ở cách xa chiến trường sẽ an toàn hơn. Thực tế nguy hiểm vẫn luôn rình rập", binh sĩ Ukraine chia sẻ trên tờ The Economist.
Các binh sĩ Ukraine điều khiển UAV đối mặt rủi ro như vậy, lực lượng chiến đấu ở tiền tuyến còn gặp rủi ro gấp nhiều lần.
Một lính bộ binh Ukraine chiến đấu ở khu vực nằm giữa làng Robotyne và Verbove, nói tổn thất của Ukraine đang ở mức báo động. Nguyên nhân cũng do Nga triển khai một lượng lớn UAV FPV.
"Chúng tôi thường xuyên ghi nhận thương vong. Có những binh sĩ bị UAV tập kích dẫn đến thiệt mạng trong khi chưa kịp tham gia một trận đánh nào", binh sĩ giấu tên chia sẻ. "Đối với chúng tôi, nguy cơ mất mạng luôn lớn hơn là có thể sống sót".